Theo dự kiến, một tuần nữa, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vụ kiện Philippines đối với Trung Quốc (TQ) liên quan đến tranh chấp biển Đông. Cho đến lúc này TQ vẫn ra sức chống phá và phủ nhận quy trình tố tụng của PCA bằng nhiều nước cờ khác nhau. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM,“nếu các kết quả phán quyết của PCA gây bất lợi cho TQ, ví dụ như gián tiếp chứng minh tuyên bố đường chín đoạn không có tính pháp lý thì chính quyền Bắc Kinh không thể giả vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra”.
Ngoại giao nhân dân tệ, công kích tòa PCA
. Phóng viên: Thưa ông, TQ sẽ tiếp tục lờ đi phán quyết này hay sẽ có những động thái phản đòn khác đối với PCA, sau khi tòa này ra phán quyết?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Dù các kết quả phán quyết của PCA gây bất lợi cho TQ như dự báo, chẳng hạn phán quyết gián tiếp phủ nhận tính pháp lý của đường chín đoạn thì chính quyền Bắc Kinh cũng không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Khả năng là TQ sẽ tiếp tục chiến dịch công kích vai trò PCA, cũng như tính trung lập của tòa này. Bằng cách đó, TQ rêu rao rằng nước này bị “o ép”, bị đối xử không công bằng do PCA thiên vị.
. Điều này liệu có giúp TQ bịt mắt, bịt tai cộng đồng quốc tế vì phán quyết được công khai?
+ Tất nhiên song song việc đối phó PCA, TQ cũng sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm ủng hộ từ các quốc gia khác. Bắc Kinh có thể sử dụng chính sách “ngoại giao nhân dân tệ”, tức dùng các hình thức viện trợ hoặc cam kết các khoản đầu tư đối với các quốc gia có nền kinh tế yếu kém hòng mua sự ủng hộ của họ đối với việc TQ không công nhận phán quyết; ủng hộ TQ trong việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương thay vì luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao TQ gần đây cho rằng hiện nay có ít nhất 60 quốc gia ủng hộ quan điểm của TQ. Tuy nhiên, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, con số thật sự chỉ có tám (có cả các quốc gia không có biển và nền kinh tế vẫn còn kém phát triển như Afghanistan và Niger). Số còn lại hoặc là “phản pháo” TQ hoặc vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm của họ.
Tàu chiến của hải quân Trung Quốc đang tập trận. Ảnh: SINA
Đẩy mạnh quân sự, đe dọa khu vực
. Còn với quốc gia trực tiếp kiện TQ là Philippines, TQ sẽ ứng xử ra sao?
+ Khả năng TQ sẽ tố cáo Philippines phá hoại ổn định khu vực bằng cách từ chối đàm phán song phương và giải quyết vấn đề tranh chấp ở vùng biển Đông theo tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký năm 2002. Bằng cách này, TQ cho rằng mình mới chính là quốc gia “yêu hòa bình” và luôn chủ động tích cực giải quyết tranh chấp. Song song đó, TQ sẽ không từ bỏ các hành động nhằm gia tăng chủ quyền ở vùng biển Đông, như gia tăng kiên cố hóa, trang bị thiết bị mang tính lưỡng dụng (dân sự và quân sự), đẩy mạnh các hành động mang tính quân sự ở khu vực các thực thể vừa mới thay đổi hiện trạng. Làm vậy để vừa “răn đe” Philippines, vừa khẳng định “chủ quyền” của TQ đối với các thực thể này.
. Quan hệ giữa “hai nước trong cuộc” sau phán quyết PCA sẽ như thế nào trong bối cảnh Philippines vừa có tân tổng thống?
+ Nếu phán quyết của PCA gây bất lợi cho yêu sách của TQ ở vùng biển Đông, quan hệ Philippines và TQ có thể được coi bước vào một giai đoạn có nhiều thay đổi quan trọng. TQ có thể tiếp cận tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte để thuyết phục ông này chấp nhận đàm phán song phương giải quyết tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông….
Khả năng là dù cho kết quả phán quyết của PCA như thế nào thì Tổng thống Duterte cũng sẽ phải tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế với TQ bởi vì TQ là đối tác thương mại lớn thứ hai, thị trường nhập khẩu lớn nhất, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Philippines trong năm 2015. Nếu gặp bất lợi, TQ có thể “chơi xấu” bằng cách áp dụng một số chính sách hạn chế hàng nhập khẩu từ Philippines như đã từng làm với mặt hàng chuối xuất khẩu của Philippines.
. Ngoài quan hệ với Philippines, có thể hình dung viễn cảnh quan hệ TQ với các nước thứ ba liên quan tranh chấp tại khu vực biển Đông sẽ ra sao thời gian tới?
+ Mặc dù phán quyết của PCA mang tính ràng buộc nhưng điều quan trọng là khả năng TQ thực thi phán quyết hầu như không có. Tuy nhiên, nếu phán quyết của tòa PCA có lợi cho Philippines thì đây sẽ là một chiến thắng quan trọng về mặt pháp lý. TQ chắc chắn sẽ tổn hại về mặt uy tín nếu không tuân theo phán quyết của tòa. Điều này buộc TQ cũng sẽ thực hiện một chiến dịch ngoại giao, trong đó các quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi TQ đẩy mạnh con bài quan hệ kinh tế và viện trợ các loại.
Việc ASEAN khó thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông không còn là một vấn đề mới. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay không phải là làm thế nào để gắn kết lại ASEAN, mà là làm cách nào để có thể tìm được giải pháp khả dĩ nhất trong các tuyên bố chung của ASEAN về biển Đông. Ngoài ra, trước việc TQ đẩy mạnh việc kiên cố hóa, quân sự hóa các đảo nhân tạo, các quốc gia tranh chấp ở vùng biển Đông sẽ phải vừa đứng trước bài toán đối trọng TQ, vừa tìm cách cân bằng các lực lượng, mà không làm phức tạp thêm tình hình…
Phải đối mặt hệ thống đồng minh Mỹ
. Phán quyết của PCA có làm quan hệ giữa TQ và Mỹ thay đổi?
+ TQ vẫn tiếp tục luận điệu yêu cầu các quốc gia thứ ba không can thiệp việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Còn quan điểm của Mỹ là ủng hộ thẩm quyền PCA và tính ràng buộc của phán quyết PCA đưa ra. Đây cũng là quan điểm của các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Úc.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thể hiện là sẽ phản ứng như thế nào nếu TQ không tuân theo phán quyết của PCA. Nếu TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (gián tiếp theo phán quyết của PCA) sẽ kéo theo động thái của Mỹ. Động thái này với đồng minh Philippines sẽ là bài kiểm tra cho độ cam kết của Mỹ về bảo vệ hệ thống chủ nghĩa tự do dựa trên vai trò các thể chế quốc tế cũng như giá trị luật pháp, quy tắc quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không hành động một mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà sẽ kêu gọi sự tham gia của các đồng minh thân cận ở khu vực như Nhật Bản, Úc nếu TQ phớt lờ phán quyết của PCA. Quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai thực chất là quan hệ giữa TQ và hệ thống đồng minh của Mỹ trong khu vực.
. Xin cám ơn ông.
Viễn cảnh quan hệ Mỹ-Trung trong dài hạn Việc đoán định một cách cụ thể chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian tới là khó khăn khi hiện nay vẫn chưa rõ Donald Trump hay Hillary Clinton, ai sẽ là tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Mỹ luôn nhất quán với chính sách ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực và Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm này của mình với các hoạt động của tàu hải quân “đi qua không gây hại” hay “tự do hàng hải” (FONOPS) trong khu vực các thực thể bị TQ thay đổi hiện trạng. Về mặt thể chế, Mỹ sẽ đẩy mạnh tăng cường các hệ thống thể chế do Mỹ lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để duy trì vai trò bá chủ của mình cũng như thúc đẩy các giá trị của Mỹ và phương Tây như luật pháp quốc tế và tự do thương mại. Việc thúc đẩy các thể chế do Mỹ lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được thể hiện rõ dưới thời Tổng thống Obama và chắc chắn sẽ không thay đổi đảo ngược nhiều dưới thời tổng thống Mỹ mới vào đầu năm 2017. TS NGUYỄN THÀNH TRUNG |