Dư luận quốc tế đang rất quan tâm tới phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) liên quan đến một số yêu sách chủ quyền phi lý của TQ ở biển Đông. GS-TS James Kraska (ảnh), chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định phán quyết tới đây của PCA sẽ làm suy yếu trầm trọng các lập trường mà phía TQ đã đưa ra.
Có phủ nhận thì lập trường của TQ cũng khó đứng vững
. Phóng viên: Ông dự báo như thế nào về phán quyết mà PCA sẽ đưa ra tới đây về vụ Philippines kiện TQ liên quan đến các yêu sách chủ quyền phi lý của TQ ở biển Đông?
+ GS James Kraska: Tôi tin rằng PCA sẽ đưa ra một quyết định mang về thuận lợi cho Philippines. Khả năng cao là TQ sẽ phủ nhận kết quả phán quyết này.
Quyết định này dựa trên UNCLOS. Nó có thể sẽ hạn chế đáng kể quy chế vùng biển đối với các thực thể (dựa vào trạng thái tự nhiên) đang xảy ra tranh chấp. Các thực thể này có thể sẽ được PCA xác định là bãi nửa nổi nửa chìm (không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa) hay nhiều nhất được xem là đá (được vùng lãnh hải 12 hải lý). Như vậy, ngay cả khi phán quyết của PCA không đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với các thực thể ở biển Đông, hay thậm chí không nhắc đến yêu sách đường chín đoạn của TQ thì phán quyết tới đây cũng sẽ làm suy yếu trầm trọng các lập trường mà phía TQ đã đưa ra đối với cả hai vấn đề vừa nói trên.
. Thực tế cho đến nay TQ đã tiến hành thay đổi hiện trạng nghiêm trọng, bồi lấp và hình thành đảo nhân tạo tại một số thực thể trên biển Đông. Việc trao quy chế vùng biển cho các thực thể phải chăng sẽ gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
+ Về nguyên tắc, PCA sẽ chỉ trao quy chế vùng biển cho các đảo dựa trên trạng thái tự nhiên của chúng (chứ không phải sau khi chúng được cải tạo - PV). Cho dù trạng thái tự nhiên của một số thực thể vẫn chưa rõ ràng và việc xác định sẽ gặp khó khăn hơn trước do những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn của TQ thì theo tôi biết hiện nay vẫn có nhiều dữ liệu để tòa có thể căn cứ vào đó và đưa ra một phán quyết.
Ngoài ra, hành động bồi lấp, cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông cũng sẽ được PCA xem xét, liên đới đến nghĩa vụ của Bắc Kinh về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển theo Điều 192 của UNCLOS. Rất có thể tòa sẽ tuyên bố TQ đáng ra nên tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động của mình. Tương tự như vụ kiện số 12 giữa Malaysia với Singapore tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển, PCA sẽ phán quyết TQ đáng ra phải phối hợp và tham vấn trước với các quốc gia lân cận bị ảnh hưởng do các hoạt động mà nước này thực hiện.
PCA sẽ chỉ trao quy chế vùng biển cho các đảo dựa trên trạng thái tự nhiên của chúng chứ không phải sau khi chúng được cải tạo. Trong ảnh: Trung Quốc bồi lấp, cải tạo, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên các thực thể cưỡng chiếm ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Ảnh: Lê Phi
Tòa hoàn toàn độc lập, trung lập
. Gần đây, Tân Hoa xã (TQ) có dẫn lời của ông Pete Li, ĐH Houston Downtown (Mỹ), cho rằng các quyết định được đưa ra từ phía PCA (thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS) là không công bằng và TQ hoàn toàn có lý khi từ chối các phán quyết từ phía PCA, bởi PCA không thể được xem như một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Đây cũng là quan điểm của rất nhiều học giả TQ. Ý kiến của ông về quan điểm trên và chức năng của PCA thế nào?
+ Cá nhân tôi cho rằng ông Li đã hiểu không chính xác về trường hợp PCA, vốn đã khẳng định trước đó là sẽ không đưa ra các phán quyết liên quan đến tranh chấp lãnh thổ (giữa Philippines với TQ cùng các nước liên quan). PCA, như tôi đã đề cập, chỉ đưa ra các phán quyết về các quy chế vùng biển đối với các thực thể tranh chấp ở biển Đông. Tôi thấy ông Li cũng chỉ đơn thuần nhắc lại những quan điểm của chính phủ TQ, vốn đã bị PCA nhất trí bác bỏ từ năm ngoái sau quá trình xem xét thẩm quyền trọng tài đối với vụ kiện của Philippines.
. Báo chí TQ dẫn lời một số chuyên gia cho rằng các quan điểm phản đối của TQ đối với thẩm quyền tòa trọng tài đã bị PCA bác bỏ, việc chấp nhận yêu cầu tòa trọng tài chỉ từ một phía Philippines cho thấy PCA thiên vị cho Manila. Họ còn cho rằng PCA đã “lạm quyền” khi tham gia vào một vụ tranh chấp lãnh thổ mà PCA vốn không có thẩm quyền. Sự thật có phải là như thế, thưa ông?
+ Tôi cho rằng đó là những quan điểm hoàn toàn sai lầm. PCA hoạt động hoàn toàn trung lập (vì cơ chế thành lập, nhân sự và quy trình tố tụng đều được quy định chặt chẽ, khách quan theo UNCLOS và các phụ lục - PV). Trong một vụ kiện, một bên có thể thắng và bên còn lại có thể sẽ thất bại và không thể nói việc thắng-thua đó là biểu hiện hay bằng chứng của sự thiên vị.
PCA không lạm dụng quyền và nhiệm vụ của mình mà thay vào đó là thi hành chính xác những công việc mà PCA được quy định. Tôi hoàn toàn đồng tình với phán quyết PCA có thẩm quyền trong vụ kiện lần này.
. Xin cám ơn ông.