Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, về những khả năng tác động từ phán quyết biển Đông của Tòa Trọng tài đến Việt Nam (VN).
Củng cố cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền VN
. Phóng viên: Nội dung nào trong phán quyết của Tòa Trọng tài có lợi cho VN về mặt pháp lý trong việc đấu tranh chống yêu sách của Trung Quốc (TQ) ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Nhiều nội dung trong phán quyết của Tòa Trọng tài với mức độ khác nhau đều có lợi cho VN về mặt pháp lý.
Thứ nhất, việc Tòa Trọng tài tuyên bố quyền lịch sử mà TQ áp đặt đối với vùng biển phía bên trong “đường lưỡi bò” là vô hiệu đã tạo cơ sở pháp lý rất tốt cho VN bảo vệ được các quyền và lợi ích quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của VN cũng như vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.
Thứ hai, việc Tòa Trọng tài tuyên các thực thể địa lý trong khu vực Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý và không tạo ra một vùng biển như một thực thể thống nhất giúp VN đủ cơ sở pháp lý phản bác các yêu cầu của TQ đối với các vùng biển nằm trong EEZ và thềm lục địa của VN mà TQ cho rằng có chồng lấn với lãnh hải hoặc EEZ của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, phán quyết này cũng giúp VN khẳng định những hoạt động cải tạo đảo của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm luật quốc tế. Đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý để ngư dân VN được đánh cá hợp pháp trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng biển quốc tế ở giữa biển Đông, vốn là những ngư trường truyền thống của ngư dân VN. Đây cũng là cơ sở để VN chống lại các hành động phi pháp của TQ như đâm va, cướp phá, bắt giữ tàu cá của VN trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đâm tàu thực thi pháp luật và thăm dò dầu khí của VN trong EEZ và thềm lục địa VN. Đồng thời là căn cứ vững chắc để ngăn cản ngư dân TQ đánh bắt hải sản trái phép trong EEZ của VN.
Các nội dung phán quyết (nội dung thứ tư và năm) cũng giúp VN có thêm cơ sở pháp lý để chống những hoạt động của TQ về cải tạo, thay đổi hiện trạng các đảo, tàn phá môi trường và các hệ sinh thái biển và gây thêm bất ổn trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo cơ sở pháp lý rất tốt cho VN bảo vệ được các quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông. Trong ảnh: Trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: MINH PHONG
Lợi ích của VN có bị phương hại?
. Như ông vừa đề cập, Tòa Trọng tài đã xác định tất cả các thực thể ở Trường Sa không có EEZ dù Philippines chỉ đệ trình chín thực thể. Tại sao tòa lại đưa ra quyết định toàn diện như vậy?
+ Theo tôi là vì Tòa Trọng tài nhận thấy các quy định về đảo đá trong khoản 3 Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 bị nhiều nước tìm cách giải thích theo cách chỉ có lợi cho mình, làm tình hình tranh chấp biển trên thế giới ngày càng phức tạp. Chính vì vậy tòa đã cố gắng giải thích rõ quy định trong UNCLOS về đảo đá. Phán quyết này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì giúp thu hẹp đáng kể những vùng biển tranh chấp. Điều này làm tình hình tranh chấp chủ quyền tại các đảo và vùng biển xung quanh các đảo này bớt căng thẳng hơn.
. Quyết định này có làm mất đi quyền lợi hợp pháp của VN ở quần đảo Trường Sa?
+ VN là nước có bằng chứng rõ ràng nhất, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế nhất về chủ quyền đối với các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nếu chủ quyền đối với các đảo này được phân định ở một tòa án quốc tế, khả năng thắng của VN đối với nhiều đảo sẽ rất cao.
Nhưng cần nhận thức rằng một tòa án quốc tế chỉ phân định chủ quyền đối với một đảo (được coi như một vùng lãnh thổ) nếu tất cả các bên tranh chấp đồng thuận ra tòa. Yêu cầu này là rất khó có thể trong tình hình hiện nay. Vậy nên dù các đảo ở Trường Sa có EEZ 200 hải lý, VN cũng chưa thể đơn phương khai thác, sử dụng tài nguyên cũng như thực hiện quyền quản lý với vùng biển này vì về mặt luật pháp, đây vẫn là vùng biển đang tranh chấp.
Mặt khác, EEZ của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (nếu có) lại có thể chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của VN, tức là có thể biến một phần của EEZ và thềm lục địa của VN từ khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Nếu thế VN không thể đơn phương khai thác trong vùng biển lẽ ra thuộc về mình.
Tựu chung lại, có thể thấy phán quyết này của Tòa Trọng tài về cơ bản là có lợi cho VN.
VN có thể kiện TQ nội dung nào?
. Phán quyết của Tòa Trọng tài với trường hợp Philippines kiện TQ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề “VN có cơ sở pháp lý để kiện TQ” được tranh luận suốt thời gian qua?
+ Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng phán quyết của Tòa Trọng tài đã cung cấp cơ sở pháp lý rất tốt để VN đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích đối với EEZ và thềm lục địa của VN và đối với vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng biển quốc tế ở biển Đông. Cơ sở pháp lý này xuất phát từ việc tòa phán quyết TQ vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng EEZ thuộc Manila bằng cách (a) can thiệp vào hoạt động đánh bắt hải sản và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân TQ đánh bắt hải sản ở khu vực này.
Tòa Trọng tài cũng khẳng định ngư dân Philippines cũng như ngư dân TQ có quyền lịch sử về đánh bắt hải sản tại bãi cạn Scarborough và cho rằng không nước nào trong hai nước có quyền ngăn chặn ngư dân của nước còn lại đánh bắt ở đây. Tòa cũng phán quyết các tàu chấp pháp của TQ gây ra rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu Philippines.
. Nếu TQ tiếp tục hung hăng, nội dung khả dĩ nào VN có thể kiện TQ ra một tòa án quốc tế?
+ Theo tôi biết, chủ trương của VN vẫn là hợp tác toàn diện với TQ để giải quyết các bất đồng, đặc biệt là các bất đồng trên biển. Tuy nhiên, nếu các giải pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao không hiệu quả, VN có thể phải khởi kiện tại một tòa án quốc tế thích hợp. Theo tôi, có nhiều nội dung VN có thể kiện, ví dụ kiện TQ mời thầu và thực hiện thăm dò dầu khí trái phép trong EEZ và thềm lục địa VN (như vụ giàn khoan Hải Dương 981; kiện TQ hành động nguy hiểm, đâm va tàu cá và tàu thực thi pháp luật của VN, bắt giữ tàu cá và ức hiếp ngư dân VN trong EEZ của VN, trong vùng biển quốc tế trong biển Đông và ngư trường truyền thống tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
. Theo ông thì thời điểm nào VN mới tiến hành một vụ kiện chống lại TQ?
+ Tôi nghĩ kiện là giải pháp cuối cùng sau khi đã thực hiện tất cả giải pháp chính trị và ngoại giao khác nhưng không thành công.
Thực tế cho thấy rất khó để TQ tham gia vụ kiện nhưng dù vắng mặt, không công nhận phán quyết thì về lâu dài TQ cũng phải dần tuân theo. Bởi việc chấp nhận luật pháp quốc tế sẽ mang lại cho TQ lợi ích lớn hơn rất nhiều so với việc chống lại phán quyết của tòa, tức chống lại cả cộng đồng quốc tế.
. Xin cám ơn ông.
_____________________________
(*) Nội dung trả lời phỏng vấn là quan điểm cá nhân của PGS-TS Vũ Thanh Ca, không phản ánh quan điểm của VN hoặc cơ quan ông đang công tác.