ASEAN kêu gọi tôn trọng pháp lý

Chiều 25-7, sau hai ngày làm việc, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Vientiane (Lào) đã công bố bốn văn kiện:

Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Vientiane (Lào). Ảnh: AFP

• Tuyên bố chung của bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN về duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

• Tuyên bố chung của bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (TQ) về thực hiện toàn diện và thực tiễn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

• Thông cáo chung về hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49.

• Tuyên bố của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân dịp 40 năm kỷ niệm Hiệp định Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan viết trên Facebook nhận định tuyên bố chung giữa ASEAN và TQ đã chứng tỏ quan hệ giữa ASEAN và TQ đang trên quỹ đạo tích cực hơn.

Ông đánh giá văn kiện này sẽ giúp bảo đảm hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Theo Reuters, tuyên bố riêng này nêu rõ ASEAN và TQ tiếp tục khẳng định cam kết về tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.

Các bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hay gia tăng căng thẳng, trong đó có đưa người đến các đảo, đá hiện không có người.

Liên quan đến Thông cáo chung về hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, theo Channel New Asia (Singapore), ông Vivian Balakrishnan đã giải thích điểm khó đàm phán nhất là Điều 2.

Ông đánh giá đây là một tuyên bố nguyên tắc quan trọng cần được ghi nhận.

Thông cáo chung có đoạn: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến những diễn biến mới đây và đang xảy ra, đồng thời lưu ý đến các quan tâm của một số bộ trưởng về hoạt động cải tạo đất và leo thang hoạt động trong khu vực này vốn làm xói mòn lòng tin lẫn nhau, gia tăng căng thẳng và có thể làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.

Thông báo chung nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định cần thiết phải củng cố lòng tin lẫn nhau, thể hiện kiềm chế trong hoạt động và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”.

Reuters dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao tham dự hội nghị AMM tiết lộ cuối cùng Philippines thôi không đòi tuyên bố chung phải nêu phán quyết trọng tài để tránh bất đồng dẫn đến hậu quả có thể hội nghị AMM không ra được tuyên bố chung. Từ đó hội nghị AMM đã thoát khỏi thế bế tắc.

 

Ngày 25-7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã đến Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho chuyến tham dự hội nghị G20 của Tổng thống Obama vào đầu tháng 9 tại Hàng Châu.

Tại cuộc gặp, tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, phát biểu TQ và Mỹ phải xử lý đúng đắn các vấn đề nhạy cảm để khỏi gây bất ổn quan hệ quân sự. Ông cho rằng “các quan hệ quân sự bị ảnh hưởng bởi các thông số phức tạp và nhạy cảm”. Ông nói nếu không xử lý các thông số này thì tình hình sẽ bất ổn. Ông xác định TQ ủng hộ các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

Bà Susan Rice đánh giá các nguy cơ về hậu quả ngoài ý muốn xảy ra giữa hai quân đội đã giảm nhờ thông tin tốt hơn. Bà ghi nhận dù vậy “chúng ta vẫn còn những thách thức và bất đồng cần thảo luận và xử lý”. Trước đó tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, bà đã hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.

Tiêu điểm

Chúng tôi tiếp tục khẳng định cam kết chung về duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng hoàn toàn các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không viện dẫn vũ lực hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ quát đã được luật pháp quốc tế thừa nhận, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Điều 2 Thông cáo chung về hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm