Thông cáo của Bộ Quốc phòng cho biết trong cuộc gặp tại TP.HCM, Bộ trưởng Mattis thông báo chuyến đi đến sân bay Biên Hòa của ông, cảm ơn người đồng cấp Việt Nam đã dành thời gian đón tiếp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết kết quả chuyến thăm này là cơ sở để báo cáo chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó xử lý khu vực nhiễm dioxin.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tiếp Bộ trưởng Mattis tại TP.HCM hôm nay. Ảnh: MINH THANH
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Mỹ trong việc hợp tác tẩy độc dioxin tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị phía Mỹ trong thời gian tới tích cực hợp tác với Việt Nam để sớm triển khai và hoàn thành dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, giải phóng đất đai bị ô nhiễm, góp phần thúc đẩy kinh tế ở Việt Nam.
Trước đó, cũng trong sáng 17-10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ghé thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Đây là nơi Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm nhất ở Việt Nam. Tại khu vực sân bay có khoảng 500.000 m3 đất ô nhiễm dioxin (khối lượng đất nhiễm dioxin tại phía Nam sân bay khoảng 200.000 m3; phía Tây sân bay khoảng 300.000 m3).
Năm 2010, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Bộ Tư lệnh Hóa học đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án XD-1; tổ chức đào xúc, chôn lấp cô lập 100.000 m3 trên diện tích 4,3 ha đất nhiễm dioxin. Năm 2016, Bộ Tư lệnh Hóa học triển khai dự án XD-2, đào xúc, chôn lấp cô lập 60.000 m3 tại phía Nam sân bay.
Năm 2012, từ nguồn tài trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban chỉ đạo 33) đã triển khai thực hiện dự án cô lập chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa (hồ lắng dioxin), đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập trên diện tích hơn 5 ha, với khối lượng ô nhiễm ước tính hơn 70.000 m3 tại phía Tây sân bay.
Ngày 16-9-2017, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ khởi công “Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa”. Thực hiện chức năng chủ đầu tư, Quân chủng Phòng không - Không quân đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai: Rà phá bom mìn; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; khoanh vùng chống lan tỏa chất độc dioxin; di dời doanh trại các đơn vị, công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm. Tổng giá trị của dự án là 270 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ngày 11-5-2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký thỏa thuận cho dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Tính đến nay, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức di dời doanh trại, công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình chống lan tỏa chất độc dioxin, tường rào cách ly khu vực ô nhiễm và đường vận chuyển, phục vụ “Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa”.
Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được triển khai thực hiện từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa là 390 triệu đôla. Quá trình xử lý dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm.