Đắk Lắk: Phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện phát triển kinh tế - xã hội

(PLO)- Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá, xuyên tạc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-7, tại kỳ họp lần thứ Sáu HĐND tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VL

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VL

Hoạt động FULRO vũ trang có tính chất đặc biệt nguy hiểm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện các loại tội phạm hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao, nhiều trang thiết bị điện tử hiện đại, thiết bị đặt tại nước ngoài; nhất là tội phạm đánh bạc qua mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, dụ dỗ, lôi kéo phát triển lực lượng trong nước, hình thành khung tổ chức ngầm, chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành hoạt động khủng bố chống chính quyền nhân dân.

Đặc biệt, ngày 11-6, đã xảy ra hoạt động FULRO vũ trang có tính chất đặc biệt nguy hiểm, tổ chức thành hai nhóm được trang bị vũ khí tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

Tình trạng người dân tộc thiểu số (DTTS) vượt biên, xuất cảnh nghi trốn đi Thái Lan vẫn xảy ra tại một số địa bàn.

Tình hình tranh chấp, khiếu kiện nổi lên là liên quan việc triển khai các dự án kinh tế, an sinh xã hội và xâm canh, lấn chiếm đất thuộc quyền sử dụng các công ty nông, lâm nghiệp.

An ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Số đối tượng chống đối chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đăng tải, chia sẻ, phát tán bài viết, hình ảnh có nội dung tiêu cực, xuyên tạc trên mạng xã hội.

Giải pháp trong sáu tháng cuối năm

Cũng theo báo cáo, dù tội phạm về trật tự xã hội được kiềm giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên một số loại tội phạm có thời điểm còn diễn biến phức tạp, như tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm người dưới 16 tuổi...

Công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự tại vùng dân tộc thiểu số còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả. Điều này là nguyên nhân dẫn đến phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Trong sáu tháng cuối năm, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chiến lược, chương trình của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, kiểm điểm và xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và an ninh trật tự, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm chủ động phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, không để hình thành các tổ chức tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen”.

Tập trung điều tra, xử lý kịp thời các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội trong quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng, hạn chế tối đa nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật...

Tội phạm giết người gia tăng

Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 387 vụ, giảm sáu vụ 1,53% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó diễn biến của một số loại tội phạm nổi lên những vấn đề đáng chú ý, như tội phạm giết người gia tăng (xảy ra 36 vụ, tăng tám vụ), trong đó xảy ra một vụ giết người, cướp tài sản và một số vụ nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, bột phát, sau khi sử dụng rượu, bia.

Tội phạm trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, hiếp dâm người dưới 16 tuổi cũng có chiều hướng gia tăng.

Tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Triệt phá một số tụ điểm đánh bạc truyền thống, đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức ghi số đề qua mạng Internet quy mô lớn, thu hút nhiều người tham gia với số tiền đánh bạc rất lớn.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường xuyên thay đổi địa điểm, sử dụng hình thức cho vay trực tuyến qua mạng Internet... gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm