Bãi rác có diện tích hơn 7 ha, là nơi tiếp nhận toàn bộ rác thải của thị xã. Rác thải sẽ được chôn theo hình thức cuốn chiếu nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do không được xây dựng đúng thiết kế, xử lý không đúng quy trình nên gần một năm nay lượng rác tồn lại ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng.
Anh Đinh Văn Phú, người dân thôn Đồng Tiến, cho biết: “Vào mùa nắng, mỗi khi rác được đốt là khói bụi bay kín cả một vùng, còn vào mùa mưa thì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ruồi, muỗi phát sinh từ bãi rác bay vào trong nhà quanh năm suốt tháng”. Do phải sống trong môi trường ô nhiễm nên hầu hết trẻ em nơi đây đều mắc bệnh ngoài da và hô hấp. Anh Nguyễn Thanh Vinh, thôn Đồng Tiến, bức xúc: “Ở trong môi trường bị ô nhiễm như thế này thì người lớn cũng mắc bệnh nữa là mấy đứa nhỏ. Gia đình tôi đã phải gửi con sang nhà người quen tận Bình Phước nhờ trông giúp!”.
Rác thải sau khi chở về chỉ được xử lý một cách sơ sài. Ảnh: UYÊN PHƯƠNG
Đáng lo ngại hơn, do bãi rác không được phân thành các ô xử lý, không lót đáy chống thấm, không có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ… nên nước thải đã ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Vì không dám dùng nước giếng, người dân phải hứng nước mưa để dùng, vào mùa khô phải đi cả cây số mới lấy được nước. Cũng do mạch nước ngầm bị ô nhiễm nên gần 20 hộ dân có đất xung quanh bãi rác đành phải bỏ hoang. Gia súc, gia cầm cũng không sống nổi.
Ông Hà Văn Sơn, trưởng thôn Đồng Tiến, cho biết: “Bãi rác này do thị xã quản lý. UBND xã cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng thiết kế được phê duyệt, không thể dùng các biện pháp khắc phục tạm thời nhưng đến nay họ vẫn không làm…”.
Đầu tháng 10, UBND thị xã Gia Nghĩa đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan. Biện pháp sau cùng được đưa ra là di dời dân sống quanh vùng chứ không di dời bãi rác. Tuy nhiên, đó là những biện pháp lâu dài, còn về trước mắt, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có biện pháp khắc phục ô nhiễm kịp thời để bảo đảm sức khỏe cho người dân.
UYÊN PHƯƠNG