Đó là một trong những ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) diễn ra tại TP.HCM ngày 25-7 do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Aus4Reform (chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam) tổ chức.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NC
Một số nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm cho ý kiến: Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN; mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Về vấn đề vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN, các ĐBQH tập trung vào các ý kiến: Giữ nguyên mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính do quy mô này đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của QH về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực; phù hợp với tinh thần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng cần phải tăng thẩm quyền cho UBCKNN, đảm bảo tính độc lập cho UBCKNN trong quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán.
UBCKNN độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn; không quan trọng việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ hay Bộ Tài chính mà phải rà soát các quy định nhằm đảm bảo tính độc lập của UBCKNN, có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.
Tại hội thảo, ĐB Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần tăng cường thẩm quyền cho UBCKNN. Vì ủy ban muốn ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thông qua Bộ Tài chính, đồng thời thẩm quyền quan trọng nhất của ủy ban là xử lý vi phạm nhưng ủy ban không đủ thẩm quyền thì không thể làm được.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, có nhiều ý kiến về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN dù UBCKNN trực thuộc Chính phủ hay Bộ Tài chính thì tất cả đều mong muốn UBCKNN phải độc lập hơn, phải có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát…