Sáng qua (21-9), đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ đã đưa ca sĩ Minh Thuận về nơi an nghỉ. Giữa bầu không khí tang thương, xảy ra nhiều chuyện phản cảm. Khá nhiều người trèo tường, đu cột nhà tang lễ Bình Hưng Hòa để chụp ảnh, quay phim cho được. Những người khác vừa chạy theo vừa cười nói nhốn nháo. Bị hàng rào chắn ngang, họ đưa tay vô ngoắc ngoắc các nghệ sĩ, rồi đùa giỡn và chỉ trỏ: “Ê con… (tên nghệ sĩ) kìa… phải không? Ờ đúng rồi…”.
Những ngày linh cữu Minh Thuận được đưa về nhà riêng cho đến suốt thời gian đám tang diễn ra, nhiều người cũng thường xuyên xuất hiện. Họ hò hét, gọi tên nghệ sĩ, thản nhiên bình luận, trao đổi về nhan sắc, tướng mạo. Họ chen vô xin chữ ký, hoặc vui vẻ lấy điện thoại ra chụp ảnh các nghệ sĩ, có anh chàng khá trẻ còn túc trực suốt ngày chỉ để xông vô đòi chụp ảnh tự sướng với các “sao”. Phát hiện Hoài Linh xuất hiện, cả đám vỗ tay rồi đổ xô tới cười đùa, hỏi han, xin chụp ảnh cùng. Mặc Hoài Linh từ chối và khéo léo nhắc rằng đây là đám tang, đám đông vẫn không buông tha. Trấn Thành cũng gặp rắc rối tương tự…
Đám đông ấy nghĩ gì khi hành xử như vậy trong đám tang?
Một số người hiếu kỳ cười đùa trong đám tang ca sĩ Minh Thuận. Ảnh: Kênh 14
Tâm tính người Việt vốn nhân ái, giàu lòng vị tha. Từ ngàn xưa đã có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Lúc còn gặp mặt nhau, dù có thể thù oán, hờn giận, ghét đến độ muốn “xúc đất đổ đi” nhưng khi người này đã mất, người kia phải gạt bỏ tị hiềm, mâu thuẫn bằng thái độ tha thứ, xí xóa, “huề cả làng”. Cho dù mối quan hệ đã diễn ra thế nào đi nữa thì việc có mặt thành kính phân ưu, tiễn người vừa khuất về đất mẹ vẫn xuất phát tự lòng thành.
Thời buổi này khác hẳn rồi. Có những người vừa mất, lập tức thiên hạ nhao nhao bu tới. Trong số đó lại có không ít kẻ cực kỳ kém ý thức, cực kỳ vô văn hóa.
Khổ nhất khi người đã khuất vốn là “người của công chúng”. Người ta bèn “canh me” tại đám tang để chờ đợi những người nổi tiếng xuất hiện. Ai cũng biết rằng đám tang là nơi trang nghiêm, buồn bã, vì thế người đến viếng không nên ăn mặc quá lòe loẹt, sắc màu sặc sỡ. Nhưng do muốn chụp ảnh chung cùng nghệ sĩ nên đám đông hiếu kỳ bất chấp, cố diện những bộ quần áo “mát” nhất, “sành điệu” nhất.
Và chuyện gì đã xảy ra tại đám tang Minh Thuận, trước đó là Duy Nhân, hay Wanbi Tuấn Anh? Lúc những nghệ sĩ đến viếng, dù đang lúc gia chủ cầu siêu, người thân nghẹn ngào, nén nỗi đau thì đột ngột có tiếng vỗ tay, hò reo ầm ĩ. Đám đông ùn ùn chen lấn, ùa ra vây kín “thần tượng” vừa đến để được chụp ảnh chung, xin chữ ký… Họ ngang nhiên gây ra náo loạn, ồn ào, cười đùa vô cảm, nếu không muốn nói là rất khốn nạn. Hành động ái mộ “thần tượng” kiểu thô kệch đó không thể diễn ra tại đám tang. Điều sơ đẳng này chắc chắn rằng ai cũng thừa biết. Ngay cả một đứa trẻ mẫu giáo cũng được thầy cô giáo dạy rằng đại khái khi đi ngoài phố, tình cờ gặp đám tang ta phải dừng lại, im lặng và ngả mũ nón ra chào, âu cũng là một cách tiễn người đã khuất, dù có quen biết hoặc không, huống gì đang có mặt tại một đám tang.
Trong quan niệm của người Việt “Không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma”. Thế mà nơi đau xót, nghẹn lời tiễn đưa người vừa khuất, đám đông lại ra rả chõ mồm bình phẩm này nọ. Phải chăng họ tưởng mình đang xem hát? Quái đản thật!
Có một điều lạ, hiện nay trong số đám đông vô cảm ấy có không ít người trẻ tuổi, những người “có ăn có học” đàng hoàng. Có ăn học mà thế ư? Còn trẻ, xài máy tính bảng, xài smartphone, tiếp cận được nhiều thông tin văn minh từ trong nước ra tới trời Tây mà như thế ư?
Đừng nhẫn tâm • Có một loại đám mà không cần ai mời mọc nhưng vẫn có nhiều người cố đến tận nơi, đó là đám tang. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của đời người. Có điều những người sống đối xử với người chết như thế nào, nhất là tại các đám tang lại là điều không phải ai cũng biết. Những người được giáo dục trong môi trường chú trọng giá trị đạo đức và tinh thần thì trước những đám tang, thường họ có những ứng xử rất văn hóa. Nhiều người được dạy rằng đi qua đám tang nên dừng lại ngả mũ cúi chào tiễn biệt người quá cố. Xe tang, theo quy định, là xe được ưu tiên trong lưu thông giao thông. Những người khi gặp đám tang thường đứng nép sang một bên để nhường cho đám tang đi qua. Hiện nay rất nhiều những nét đẹp khi ứng xử với đám tang gần như đã mất. Những nhà có đám tang, dù đã để biển báo, có người vẫn rú ga vọt đi cho nhanh. Cứ cho rằng xã hội công nghiệp khác xưa nhiều lắm, thế nhưng không thể đem lý lẽ ấy ra để biện minh cho những hành vi thiếu văn hóa. Không cần dừng lại, không cần bỏ mũ cúi đầu ta vẫn chia sẻ được với người quá cố, với mất mát của gia đình họ: Hãy cho xe chạy chậm lại một chút, hãy cúi đầu thấp xuống một chút, hãy đừng rú ga, đừng bóp còi inh ỏi. Đừng tưởng nếu làm vậy thì không ai biết, trời biết, đất biết và ta biết - thế đã quá đủ rồi. Ứng xử với đám tang không chỉ là chuyện ứng xử với người chết mà còn nói lên gốc rễ văn hóa của một con người. VŨ TRUNG KIÊN (Quận Thủ Đức, TP.HCM) • Mỗi vùng miền có văn hóa khác nhau nhưng tựu trung lại, đối với đám tang, người có tâm, có lòng đều muốn người đã khuất yên nghỉ, siêu thoát. Có người so sánh các vùng với nhau và nói: Đám tang ở Sài Gòn vui như… đám cưới. Thú thật tôi nghe rất buồn. Tôi sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Ngày thơ bé, trong xóm hoặc trong dòng họ có đám tang, tôi thấy có cử hành nhạc lễ, nửa khuya có nhà hát vọng cổ nhưng với âm lượng vừa phải, cùng uống chung trà, hớp rượu hàn huyên chia sẻ… Nó không ồn ào như bây giờ. Nhưng nay khác rồi. Rất nhiều đám tang có người chuyển giới tới hát hò nhạc sôi động, thậm chí múa lửa. Gia chủ không mời thì cái nhóm “rậm đám” ấy cũng kéo tới. Những người hiếu kỳ cũng thật đáng sợ, họ kéo tới bu đen bu đỏ để xem, có khi còn sờ soạng nhóm diễn. Có nhà lại tổ chức tiệc nhậu, khách khứa cụng ly bốp bốp. Chuyện này phổ biến đến mức có nhiều người bảo đó là “văn hóa đám tang”. Xin thưa đó không phải là “văn hóa” gì cả. Đó là ứng xử kém văn minh! Từ xưa đến nay người hiểu biết, ứng xử có văn hóa không ai chấp nhận những trò lố lăng đó cả! NGUYỄN HOÀNG NGỌC (Phường Hiệp Bình Chánh, ______________________________________ Không thể lố lăng Ở Nam Bộ, thời xưa người khá giả rước vài kép hát bội đến, múa hát một chặp, không cần hóa trang, có thể dùng điệu bi hùng. Chơi nhạc tài tử, đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt ngủ gục nhưng không lố lăng. (Trích “Thuần phong mỹ tục ở Việt Nam”, Sơn Nam) |