Mùa này nếu như HA Gia Lai mà rớt hạng thì nhiều khả năng bầu Đức sẽ quay lại ý định gửi đám trẻ sang chơi giải S-League không có xuống hạng.
Nếu đá S-League thì đám trẻ nhà bầu Đức được gì?
S-League hiện chỉ có 10 đội tham dự trong đó có bốn đội nước ngoài gồm Harimau Muda (U-23 Malaysia), Albirex Niigata (Nhật), DPMM FC (Brunei) và Hougang FC (Trung Quốc). Giải này không có đội xuống hạng và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến LĐBĐ châu Á (AFC) coi S-League là giải nghiệp dư nên chưa cho tròn suất đá AFC Champions League (đại diện S-League chỉ có nửa suất và phải đá vòng play off).
HA Gia Lai nếu chơi ở S-League thì mất nhiều hơn được. Ảnh: QUANG THẮNG
S-League có chất lượng không cao và tính cạnh tranh thấp. Mặt khác dù đảo quốc Singapore nổi tiếng về “quân pháp” nhưng S-League lại là một giải đấu mà những vòi bạch tuộc mua bán độ chĩa vào nhiều nhất. Lịch sử nhiều đội bóng Singapore, nhiều tuyển thủ Singapore “dính chàm” vì những tay cá cược là người Singapore tha hóa, móc nối họ.
Sang Singapore đá S-League là một thách thức không nhỏ về vấn đề trên, mặt khác giải S-League cũng chẳng phải là một giải có chất lượng. Một giải đấu mà không có đội xuống hạng thì tất nhiên tính quyết liệt không cao. Ngoài ra, đám trẻ HA Gia Lai mà đá S-League thì làm gì có được lượng khán giả như đang gây sốt ở V-League dù toàn thua.
Nói một cách khác là S-League không thể sánh bằng V-League và càng không phải là nơi để rèn giũa bản lĩnh các cầu thủ trẻ. Và điều quan trọng nhất là mức độ quảng bá ở S-League không thể làm lợi về mặt kinh tế cho tập đoàn của bầu Đức.
Ma trận ở V-League đẩy đám trẻ HA Gia Lai xuống đáy HLV Lê Huỳnh Đức sau trận SHB Đà Nẵng thắng HA Gia Lai 2-0 đã nói bóng gió về việc đội bóng trẻ này đá V-League mà trận nào căng ra chơi nên thua thiệt. Ông Đức khẳng định nếu HA Gia Lai không thay đổi lối chơi, không có tầm nhìn chiến lược và không biết chọn trận, chọn đối thủ để tập trung đá thì khả năng xuống hạng rất cao. HLV Lê Huỳnh Đức không nói ra việc HA Gia Lai bị cô lập nhưng là người hiểu cuộc chơi, ông Đức hiểu rất rõ thế của HA Gia Lai. Để có được 3 điểm như đã làm trước B. Bình Dương ngoài nỗ lực vắt hết sức của các cầu thủ trẻ còn là phần “động cơ” từ đối thủ. Điều đấy HA Gia Lai rất ít gặp những đối thủ “dễ thương” như thế. Ngược lại thì hầu hết các đội đều canh HA Gia Lai mà đá đặc biệt là những đội đang chạy trốn suất xuống hạng. Vòng 18 không phải ngẫu nhiên mà hai đối thủ cạnh tranh Đồng Nai và Cần Thơ đều thắng, thậm chí là thắng đậm. Các đối thủ này giỏi quan hệ và đã tìm được “phao cứu sinh” ở trận V-League. Điều mà HA Gia Lai ẩn dưới danh đội của ông phó chủ tịch VFF vừa bị các đối thủ soi vừa không có bạn. Thậm chí là nhìn vào ban huấn luyện của HA Gia Lai cũng không thấy có HLV đủ cơ để “giao dịch” kiểu các bậc thầy Trần Bình Sự của Đồng Nai hay Vũ Quang Bảo của Cần Thơ. Ai cũng nói vòng 18 có mùi ở một số trận chỉ có ban tổ chức và các giám sát là ngửi thấy mùi nhưng không dám có chính kiến. Ma trận buộc đám trẻ của bầu Đức phải bơi một mình và rất dễ đuối nước. NGUYỄN NGUYÊN |