Tuy nhiên, lý giải cho sự bất thường này, ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở, cho rằng: “Bổ nhiệm như vậy là vì dân”. Thực tế thì sao? Càng nhiều cán bộ lãnh đạo thì hậu quả đầu tiên mà nhân dân phải gánh chịu là gồng mình đóng thuế để nuôi quỹ lương đang phình ra. Trong khi công việc thì trì trệ. Tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, “công việc nhiều năm nay đã có bê bối, có nhiều sự việc xảy ra, kiện tụng, việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương chưa đến nơi đến chốn” (đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre phát biểu với báo chí). Quả thật, trong một phát biểu khác, nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương cũng tự mâu thuẫn với mình khi giải thích thêm rằng: “Việc bổ nhiệm cả loạt nhân viên vào các vịtrí lãnh đạo là vì muốn giúp đỡ, khuyến khích người lao động trẻ, mới ra trường, nhiệt tình, tâm huyết nhưng lương thấp”.
Như vậy đã rõ, việc tăng cán bộ lãnh đạo nhằm mục đích muốn thể hiện sự quan tâm đến đời sống vật chất của cán bộ chứ không phải vì nhu cầu công việc. Điều này sẽ nảy sinh tình trạng không ít cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về nhưng vẫn lãnh lương bằng tiền thuế của dân.
Dân cần gạo chứ không cần nhiều lãnh đạo một cách bất thường như vậy. Làm ơn cắt bớt những “đầy tớ” này đi để cho dân được nhờ.