Sáng 23-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tiếp tục tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu. Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc áp giá đất mới khiến nhiều người dân thành “con nợ” khủng tiền sử dụng đất (SDĐ).
Cụ thể, cử tri Nguyễn Thị Tám, ngụ phường Hòa Minh và nhiều cử tri khác cầu cứu ĐBQH về việc TP áp dụng giá đất mới khiến người dân không biết lấy đâu tiền trả nợ. Nhà bà Tám thuộc diện giải tỏa tái định cư, khi đền bù thì nhà bà chỉ nhận được 200.000 đồng/m2. Khi được nhận đất tái định cư, vì nghèo quá nên bà Tám còn nợ Nhà nước 75 triệu đồng tiền SDĐ chưa kịp trả, nay áp giá mới lên tới trên 1 tỉ đồng khiến gia đình bà choáng váng.
“Tôi xin đề nghị ĐBQH xem xét, tính theo quy đổi ra vàng như trước đây chứ dân chúng tôi lấy tiền đâu ra mà trả” - bà Tám khẩn khoản.
Trả lời chung các cử tri về vấn đề ghi nợ tiền SDĐ và áp giá đất mới, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP thì người dân được ghi nợ tiền SDĐ là năm năm, sau năm năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người dân phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá mới). Sau khi áp giá mới thì số người dân tại các quận/huyện quá hạn nợ tiền SDĐ còn rất nhiều.
Từ 11-2-2019, TP Đà Nẵng áp giá đất mới tăng 500%-600% so với giá nợ gốc tiền sử dụng đất. Ảnh: LÊ PHI
“TP thấy việc trả nợ của người dân rất khó khăn nên đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính cho phép người dân được trả nợ như cũ nhưng Bộ Tài chính không đồng ý. Hiện nay TP đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Quốc hội để xin ý kiến nhưng vẫn chưa có phản hồi” - ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, trong khi chờ ý kiến phản hồi từ trung ương thì các hộ dân nào còn nợ tiền SDĐ nằm trong thời hạn được ghi nợ cố gắng trả nợ sớm để tránh rủi ro như các hộ dân nợ quá hạn đang gặp phải.
Được biết UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 06 có hiệu lực. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng, tổng số hộ nợ tiền SDĐ là 7.189 hộ. Trong đó, số hộ nợ tiền SDĐ tái định cư là 6.958 hộ với số tiền hơn 866,5 tỉ đồng.
Vẫn đang tích cực lấy lối xuống biển Quy hoạch TP Đà Nẵng cũng là vấn đề được cử tri quan tâm. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay chủ trương của TP là rà soát các dự án ở khu vực trung tâm, nếu đàm phán được với doanh nghiệp thì cố gắng đưa các dự án đó trở thành các dự án công cộng, hạn chế mật độ xây dựng. Về các lối xuống biển, Bí thư Đà Nẵng cho biết hiện nay TP đang làm các lối xuống biển, trong đó tiến hành ba dự án. Lối xuống biển đường Hồ Xuân Hương thì đã xong. “Hàng loạt lối xuống biển ở quận Thanh Khê, Liên Chiểu hiện nay cũng đang được rà soát. Để có các lối xuống biển thì đòi hỏi của cộng đồng và quyết tâm của TP là làm sao cho có quy mô nhất định chứ không phải chỉ là một lối xuống biển. Do đó các dự án phải rà soát hết, dự án nào chậm, chưa làm thì phải điều chỉnh lại. Có những dự án chúng tôi yêu cầu lấy tới 5 ha như dự án DAP để làm lối và công viên biển” - ông Nghĩa nói. Cũng theo Bí thư Nghĩa, quyết tâm của TP là “rất khó, rất đụng chạm” nhưng thời gian vừa qua cơ bản các doanh nghiệp thấy rõ trách nhiệm của mình và chia sẻ với lãnh đạo TP cũng như yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. |