Hiệu quả của các chương trình bình ổn giá là một trong những nội dung được quan tâm nhất tại hội thảo Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam 2014 (CAMS). Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 23-7.
Không được hưởng lợi
Báo cáo kết quả khảo sát tại hội thảo, ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường luôn là mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho đối tượng chính là người có thu nhập thấp, đời sống khó khăn do bão giá của lạm phát. Chính vì vậy có rất nhiều quy định và chính sách được ban hành để thực hiện mục tiêu này”.
Tuy nhiên, tỉ lệ người dân cho biết được hưởng lợi từ chính sách trên thấp. Cụ thể, khảo sát chọn ra tám mặt hàng thiết yếu, phổ biến là xăng dầu, gas, sữa, thuốc phòng/chữa bệnh, nước sạch, gạo, điện, thực phẩm để đánh giá hiệu quả bình ổn giá.
Giá xăng dầu, giá điện chưa được minh bạch nên người dân ít tin tưởng vào thị trường hơn. Ảnh: HTD
Trong tám loại hàng hóa thiết yếu này, xăng dầu là mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỉ lệ người trả lời cho biết ít/không hưởng lợi là cao nhất (66%). Tiếp đến là sữa (60%), gas (59%), điện (58%), thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thiết yếu (55%)...
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra nghịch lý là trong khi có một tỉ lệ tương đối lớn người dân cho biết không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ chương trình bình ổn giá thì nguồn tài chính cho chương trình này lại lấy từ chính tiền thuế của người dân.
Bên cạnh đó, dù chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách can thiệp giá cả của Nhà nước nhưng những người trả lời cho rằng Nhà nước cần can thiệp đối với giá cả những mặt hàng hiện còn đang nằm trong tay những nhóm độc quyền hoặc chi phối thị trường như thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện, gas, nước sạch.
Từ thực tế này ông Quang cho rằng: “Nếu chưa có cơ chế vận hành tốt, tạo sự minh bạch, cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh trong xã hội thì Nhà nước không nên thả nổi”.
Chưa tin thị trường
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận các công cụ can thiệp hành chính của Nhà nước đối với thị trường dường như mạnh lên, còn các yếu tố thúc đẩy thị trường lại giảm. Nhà nước chưa tin thị trường nên còn giành quyền quyết định thị trường. Ông Thiên nhấn mạnh: “Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp (DN) suy yếu, môi trường kinh doanh dường như trở nên xấu đi và kinh tế chưa phát triển lành mạnh được”.
Về tâm lý, người dân thích cơ chế thị trường nhưng cũng muốn Nhà nước bảo vệ, can thiệp, ông Thiên cho rằng nguyên nhân do ấn tượng bao cấp trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn sâu đậm. Hơn nữa, thị trường hiện có nhiều rủi ro, bất ổn nên người dân cảm thấy không an toàn.
Từ góc độ DN, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam, nêu thực trạng các DN phải gánh chịu những hậu quả do các quy định pháp luật được triển khai không tốt. Bà Dung nói: “Trong quá trình xây dựng pháp luật, các DN cũng đóng góp nhiều ý kiến nhưng những ý kiến này có được tiếp nhận hay không lại là chuyện khác”.
Lấy ví dụ về ngành dệt may đang có dấu hiệu thua ngay trên sân nhà, bà Dung cho rằng điều này do Nhà nước không đảm bảo được các phương pháp hữu hiệu về bảo vệ thị trường, để hàng giả, hàng nhái theo đường phi mậu dịch tuồn vào Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính, lý giải, hiện nay thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, giá xăng dầu, giá điện thì không minh bạch nên người dân ít tin tưởng vào thị trường hơn.
“Cách giải quyết của Nhà nước lại mang tính hành chính, chẳng hạn việc điều hành giá xăng dầu, giá điện lại không đúng theo quy luật thị trường”. Từ đó ông Độ kiến nghị Nhà nước nên thiết lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch các loại chi phí cấu thành giá cả, đó mới là cách lâu dài.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thẳng thắn nói chính sách hiện nay chưa bảo vệ được lợi ích của người dân. Chính vì vậy, về giá cả, phải thiết lập được thể chế thị trường đã, rồi Nhà nước can thiệp vào đâu mới tính. Nhà nước hay điều chỉnh giá, song sự điều chỉnh này không tạo ra động lực cho xã hội. Mặt khác, hiện chỉ số gia nhập thị trường của các DN Việt Nam thì rất tốt nhưng cơ chế cạnh tranh bình đẳng, công bằng thì thiếu.
“Nhà nước phải thay đổi về cách thức, công cụ và tổ chức quản lý, đồng thời phải thay đổi cả năng lực của bộ máy nhà nước. Có như vậy thì thị trường mới phát triển không méo mó” - TS Cung nói.
Dân chưa hài lòng Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết trong đợt khảo sát này, nhiều người dân chưa hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay và những thay đổi, cải cách trong thời gian qua của Nhà nước. “Tỉ lệ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ 19%. 47% ý kiến người dân bày tỏ bức xúc trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam” _________________________________________ Nhiều người hiểu rằng tiền thuế của họ đang được sử dụng để bình ổn giá, vậy nhưng họ lại không có lợi gì. Chuyên gia cao cấp PHẠM CHI LAN |