Dân dài cổ chờ bỏ quy hoạch đất cây xanh

Do quy hoạch không hợp lý, gần 1.700 ha đất cây xanh tại khu đô thị (KĐT) Tây Bắc Củ Chi đã được TP thống nhất cho thay đổi theo hướng giữ lại các khu dân cư hiện hữu. Tuy nhiên, đã hai năm nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định xong ranh để điều chỉnh quy hoạch.

Chưa duyệt quy hoạch mới, dân vẫn lo thắc thỏm

Theo quy hoạch được duyệt, 1.674 ha đất dọc theo quốc lộ (QL) 22 đi qua địa bàn huyện Củ Chi lọt vào quy hoạch KĐT Tây Bắc. Hiện trạng của khu vực này là dân cư đông đúc (gần 12.000 hộ dân với gần 47.000 nhân khẩu), nhà cửa dày đặc, dân cư sầm uất nhưng bị quy hoạch đất cây xanh vào năm 2008.

Gia đình ông Nguyễn Xê, xã Tân Phú Trung có hơn 3.000 m2 đất và đã sinh sống ở đây từ nhiều đời nay. Toàn bộ đất đai của ông bị lọt vào quy hoạch KĐT Tây Bắc và bị “treo” hết quyền lợi như chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, cấp phép xây dựng… Gia đình đông con, đất rộng nhưng không thể tách ra cho con xây dựng nhà cửa. Ông Xê cho biết mới đây UBND huyện Củ Chi đã cho phép người dân được xây dựng nhà ở chính thức, tháo gỡ khó khăn cho người dân suốt nhiều năm qua.

“Bà con chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, đến nay ranh quy hoạch vẫn chưa xác định cụ thể chỗ nào được xây, nhà, đất của chúng tôi vẫn bị mang tiếng nằm trong quy hoạch nên giá trị rất thấp” - ông Xê nói.

Ông Hà Thanh Hải có hơn 2.000 m2 đất nằm sát QL22, xã Tân Phú Trung cũng cho biết: “Tháng 10-2016, chúng tôi được huyện Củ Chi họp thông tin điều chỉnh từ đất cây xanh sang đất dân cư hiện hữu chỉnh trang nên vui mừng nhưng đến nay vẫn không biết nhà mình nằm trong hay ngoài ranh được điều chỉnh”.

Đủ lý do chậm, năm sau mới có ranh chính thức

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, KĐT Tây Bắc có quy mô hơn 6.000 ha trải dài từ một phần huyện Hóc Môn đến huyện Củ Chi. Trong đó, huyện Củ Chi có 5.200 ha bị ảnh hưởng trải dài từ cầu An Hạ đến ngã tư Phước Thành dọc theo QL22 đi qua các xã Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi. Trong đó, xã Tân An Hội có 8/10 ấp nằm hoàn toàn trong KĐT Tây Bắc, đường sá, hạ tầng rất xuống cấp.

Ông Dũng cho biết điểm bất cập rõ nhất của quy hoạch này là khu cây xanh cảnh quan, công trình công cộng, thương mại, giáo dục, y tế, đường giao thông dự kiến, kho bãi… lại nhắm vào các khu dân cư hiện hữu, đời sống người dân đã ổn định. “Trong khi đó, khu vực đất trống là đất nông nghiệp lại quy hoạch là đất ở. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc tách thửa, chuyển mục đích, xây dựng nhà ở cho con ra riêng, thế chấp ngân hàng của người dân” - ông Dũng nói.

Tháng 5-2016, bí thư Thành ủy TP.HCM trong nhiều lần tiếp xúc cử tri và làm việc với huyện Củ Chi đã yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đến tháng 6-2016, UBND TP có văn bản chỉ đạo Sở QH-KT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch KĐT Tây Bắc. Theo đó, TP yêu cầu giữ lại các khu vực dân cư tập trung hiện hữu với diện tích hơn 1.674 ha để cải tạo, chỉnh trang và công khai cho dân chậm nhất vào tháng 7-2016. Đồng thời hoàn tất thủ tục hồ sơ điều chỉnh chính thức quy hoạch KĐT Tây Bắc vào tháng 12-2016. Tuy nhiên, đến nay yêu cầu trên vẫn chưa thực hiện xong.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Văn Dũng Anh, Phó Trưởng Ban quản lý KĐT Tây Bắc, cho biết ngay khi có chỉ đạo của bí thư Thành ủy, TP đã yêu cầu hoàn thành việc điều chỉnh ranh quy hoạch trong năm 2016. “Muốn vậy phải chỉ định thầu để chọn đơn vị tư vấn thực hiện. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT cho biết phải đấu thầu nên không kịp. Ngoài ra, việc ghi vốn cũng chậm” - ông Anh nói. Tuy nhiên, ông Anh cho hay các khó khăn đã được giải quyết. Theo ông Anh, dự kiến cuối năm 2018 hoặc chậm nhất là quý I-2018 sẽ chính thức có quyết định điều chỉnh ranh quy hoạch. Theo đó, 1.740 ha đất cây xanh sẽ được điều chỉnh thành đất dân cư hiện hữu chỉnh trang nằm trong quy hoạch KĐT Tây Bắc.

Dân được giải quyết quyền lợi trong khi chờ quy hoạch mới

Để giải quyết bức xúc và tháo gỡ khó khăn cho dân, dù đang chờ quyết định chính thức nhưng mới đây huyện Củ Chi và Ban quản lý KĐT Tây Bắc đã thống nhất giải quyết các quyền lợi cho người dân. Theo đó, người dân vẫn được chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng chính thức. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng cho rằng các quyền lợi về nhà, đất của người dân cơ bản được giải quyết. “Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi nhất vẫn là nhà, đất của mình đã chính thức ở trong quy hoạch dân cư hiện hữu chỉnh trang, không còn quy hoạch là cây xanh như trước nữa” - ông Dũng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm