Tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 do Bộ Công an tổ chức tại TP.HCM ngày 7-12, đại diện bộ này cho hay sẽ có kế hoạch để có thể dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên thứ trưởng Bộ Công thương) về nước.
Trước đó, ngày 4-9, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với bị can Thoa. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế cũng đã ban hành lệnh truy nã quốc tế, truy nã đỏ đối với bà này.
Nhiều bạn đọc thắc mắc quy trình dẫn độ tội phạm sẽ được tiến hành như thế nào?
Trao đổi với PV, PGS-TS Bành Quốc Tuấn, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 thì “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.
Đại tá Chữ Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thông tin về việc truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: TỰ SANG
Đối với Việt Nam, cơ sở pháp lý để thực hiện việc dẫn độ tội phạm là các Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) mà Việt Nam là thành viên có quy định về vấn đề dẫn độ tội phạm và Luật Tương trợ tư pháp 2007 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
“Như vậy, để một quốc gia thực hiện việc dẫn độ tội phạm đối với Việt Nam thì giữa Việt Nam và quốc gia đó phải có HĐTTTP trong đó quy định vấn đề dẫn độ”, PGS-TS Bành Quốc Tuấn nói.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết 18 HĐTTTP với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Có những HĐTTTP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và hình sự (bao gồm nội dung dẫn độ) như HĐTTTP và pháp lý giữa Việt Nam và Liên Xô năm 1981; Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Lào năm 1998…
Tuy nhiên, có những HĐTTTP mà Việt Nam ký kết có phạm vi điều chỉnh hẹp, chỉ bao gồm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (không có nội dung về vấn đề dẫn độ) như HĐTTTP giữa Việt Nam và Pháp năm 1999.
Cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết một số HĐTTTP điều chỉnh riêng về hình sự như Hiệp định với Hàn Quốc năm 2003, Hiệp định với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len 2009, Hiệp định khung giữa các nước ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (trên cơ sở hiệp định khung này các quốc gia ASEAN sẽ ký kết các hiệp định song phương với nhau).
Trong trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia có liên quan không có HĐTTTP thì việc dẫn độ có thể được thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” và căn cứ vào quy định của pháp luật quốc nội của Việt Nam và quốc gia có liên quan.
"Ví dụ, trong trường hợp nhận được yêu cầu dẫn độ tội phạm từ phía Việt Nam thì việc Pháp có thực hiện hay không thực hiện yêu cầu này hoàn toàn là quyền của nước Pháp vì giữa hai nước không có điều ước quốc tế có liên quan", PGS-TS Bành Quốc Tuấn nói.