Ngay từ chiều 18-2, hàng ngàn khách từ khắp các nơi đổ về chợ Được (làng Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để viếng lăng Bà chợ Được, đồng thời chuẩn bị để xem đêm rước cộ đặc sắc của người Quảng Nam. Việc chuẩn bị cho đêm rước cộ diễn ra từ sáng hôm trước, các bô lão trong làng đã chuẩn bị cộ và thực hiện các nghi lễ cúng bái người sáng lập ra chợ Được.
Lễ hội thu hút hàng ngàn người xem và cầu may mắn, an lành. Ảnh: Quang Nam
Lễ hội rước cộ nhằm tưởng nhớ công đức của người sáng lập chợ Được, tương truyền Bà là người nhà họ Nguyễn, húy là Của, người gốc ở làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà là người hiền lành, cứu nhân độ thế.
Trong một lần vân du qua làng Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) thấy phong cảnh hữu tình nên đã dừng chân lập nên chợ Được tồn tại đến ngày hôm nay trải qua nhiều thế hệ.
Nhằm nhớ công ơn của bà, cứ đến ngày mùng 10 tết là người dân ở làng Phước Ấm thực hiện nghi lễ cúng Bà để tỏ lòng biết ơn. Nghi thức rước cộ được tổ chức một cách rầm rộ và linh thiêng. Đồng thời cũng trong dịp này, người địa phương cũng đã lồng ghép vào những chiếc cộ khác thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam như các nhân vật anh hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Bàn cộ Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ghi lại hình ảnh một vị anh hùng đánh giặc giữ nước. Ảnh: Quang Nam
Bên cạnh đó, những hình ảnh ngộ nghĩnh được trích từ bộ phim như Tây Du Ký cũng được trích đoạn thành một cộ để những em nhỏ được tận mắt chứng kiến những nhân vật yêu thích tuổi thơ. Ngoài ra, trong lễ rước cộ không thể thiếu những cảnh múa lân nhằm tăng thêm không khí hào hứng và mang nét văn hóa độc đáo trong ngày hội lớn này.
“Chính từ những đặc điểm nói trên nên lễ hội rước cộ Bà chợ Được thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về xem. Qua đây cũng nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống yêu nước và nét văn hóa đặc sắc đến với người dân và nhất là các thế hệ trẻ sau này” - ông Nguyễn Ba (Chủ tịch xã Bình Triều) chia sẻ.
Vào đầu năm ngoái, lễ rước cộ Bà chợ Được đã chính thức được công nhận là "Di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia".