Thông qua email riêng của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, anh Lê Công Phúc (ngụ đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng) đã gửi hơn 100 ý tưởng, hiến kế về giao thông, đô thị, văn hóa... Trong đó có nhiều ý tưởng được ông Thơ đánh giá cao và giao về cho các sở, ngành xem xét ứng dụng vào thực tiễn.
Khi chính quyền biết lắng nghe
Sau ngày tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM (chuyên ngành marketing), anh Phúc chọn ở lại Sài Gòn để trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội công việc. Gần bảy năm lăn lộn ở xứ người, năm 2012, anh Phúc quay về Đà Nẵng với mong muốn được cống hiến cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. “Hồi đó, khi ông Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy) còn sống, thường tổ chức đối thoại với người dân. Người dân được nói lên tiếng nói của mình và chính quyền lắng nghe, xử lý. Điều đó hấp dẫn và thôi thúc tôi trở về. Tôi hy vọng sẽ được góp tiếng nói, ý tưởng để xây dựng TP”.
Chia sẻ về những ý tưởng của mình, anh Phúc nói ban đầu anh gửi những ý tưởng, kiến nghị của mình qua một nhóm Facebook có tên là “Quản lý đô thị Đà Nẵng - tiện nghi - xanh sạch đẹp” do Phòng Quản lý đô thị TP Đà Nẵng (trực thuộc UBND TP) thiết lập, điều hành.
Anh kể một buổi tối trên đường về nhà, thấy cột đèn đường bị ngã đổ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nên anh rút điện thoại ra chụp ảnh lại rồi đưa lên group. Đến chiều hôm sau đã có người đến thay thế cột điện mới. “Đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng nó thể hiện mức độ lắng nghe của chính quyền. Còn ở những nơi khác, đôi khi người dân có phản ánh hàng tháng, hàng năm vẫn không được hồi đáp, xử lý” - anh Phúc nói.
Từ những phản ánh hiện trạng, anh Phúc dần hình thành những ý tưởng lớn để phát triển TP của mình. Qua tìm hiểu trên mạng và dịch từ sách báo nước ngoài, anh Phúc rút ra được những ý tưởng độc đáo: Từ việc lát gạch 3D vỉa hè, xây thêm hồ phun nước... để “biến” ngã ba Huế thành một điểm hút khách du lịch…
“Mọi người xung quanh cứ nói tôi lo việc bao đồng. Họ nói: Mày làm thức đêm, thức hôm vậy có ra tiền không? Làm có ai trả lương không mà tận tụy, nhiệt tình vậy? Nhiều đêm thức trắng để xây dựng các ý tưởng, ba mẹ lại lo lắng không yên. Mình luôn nghĩ rằng bản thân mình muốn dành tình yêu, lý tưởng vào mảnh đất mình đang sống” - anh chia sẻ.
Trong ổ đĩa lưu giữ hàng trăm ý tưởng của mình, anh Phúc vẫn tâm đắc nhất với ý tưởng thiết kế nắp cống hình con cá. Mô hình này xuất phát từ ý tưởng “nắp cống con cá” của TP San Francisco (Mỹ). Ngoài công năng như một nắp chắn rác, nó còn có tính thẩm mỹ và không đơn điệu. ý tưởng này được đánh giá cao sau khi đưa lên Facebook của nhóm quản lý đô thị. Hiện nắp cống này đã được triển khai nhiều nơi, tạo thành một nét đẹp riêng cho đô thị Đà Nẵng.
Anh Phúc (bìa trái) và bạn là Hoàng Kim Anh Tú đang bàn về các ý tưởng mới để đóng góp cho chính quyền TP Đà Nẵng. Ảnh: TT
Nắp cống hình con cá đã được triển khai. Ảnh: PT
Tôn trọng ý kiến công dân
Sau mỗi lần gửi ý tưởng đi, anh Phúc lại hồi hộp chờ đợi phản ứng từ phía TP. “Tôi chỉ muốn biết những ý tưởng đóng góp đó sẽ đi đâu, về đâu, ai xử lý? Tôi không dám hy vọng TP sẽ đọc hết các ý tưởng đó. Nhưng đến khi TP gọi tôi lên để lắng nghe và bàn cách thực hiện các ý tưởng của mình, tôi rất cảm động” - anh Phúc kể.
Đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã gửi email cảm ơn và ghi nhận những ý tưởng của anh Phúc. Trong thư có đoạn: “Chú đã đọc và nhận thấy đây là những đề xuất đầy tâm huyết, có giá trị. Chú đã cho các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét khả năng triển khai vào thực tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chúc cháu và gia đình sức khỏe, thành công trong mọi lĩnh vực và tiếp tục đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển…”.
“Lúc đó, tôi rất vui và cảm động. Tôi cũng không nghĩ rằng chủ tịch TP bận trăm công ngàn việc vẫn dành thời gian để email cho một người dân. Nó tạo cho mình động lực để xây dựng và tìm những ý tưởng mới. Lãnh đạo TP công bố email riêng là một tiến bộ, nhưng tôi còn mong muốn lãnh đạo sử dụng mạng xã hội như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hay Tổng thống Obama... Khi lãnh đạo tham gia mạng xã hội thì có thể tương tác trực tiếp với người dân. Nó vừa công khai, vừa giúp nhiều người biết để cùng góp ý. Còn email cũng chỉ mới dừng lại ở mức tương tác hai người” - anh nói.
Cách đây hai tuần, anh Phúc cùng một người dân là Hoàng Kim Anh Tú đã gửi đến cho ông Thơ một ý tưởng khác về cuộc thi Danang Sundown (cuộc thi chạy bộ vào ban đêm ở Đà Nẵng). Ngay sau đó, ông Thơ đã giao ý tưởng trên cho Sở VH-TT&DL xem xét.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Linh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho hay rất hoan nghênh ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng trở thành TP sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch của các tác giả. Theo ông Linh, ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện được và sẽ thu hút người dân Đà Nẵng, khách du lịch trong nước và quốc tế. Trước hết, tổ chức thí điểm cự ly 5 km hoặc 10 km vào buổi tối trên các đường phố Đà Nẵng cho nhiều đối tượng tham gia trải nghiệm, tương tự như giải chạy việt dã.
Một số ý tưởng của anh Lê Công Phúc Trồng hoa hướng dương trên phần đất nhiễm dioxin Có thể biến vùng đất bị nhiễm dioxin (khu vực sân bay Đà Nẵng) thành vùng trồng hoa hướng dương. Nó có tác dụng hút bớt chất phóng xạ. TP có thể tổ chức ngày hội trồng hoa hướng dương tình nguyện hằng năm. Khi đã tạo được một diện tích trồng hoa lớn thì nó sẽ trở thành địa điểm hút khách du lịch đến chơi, ngắm hoa và chụp ảnh... Scan và in 3D tất cả mẫu cổ vật Tiến hành scan và in 3D các mẫu cổ vật ở Viện bảo tàng Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng... để lưu giữ bằng file phòng khi bị mất hay bị vỡ. Tiếp đó, phối hợp với công nghệ in 3D in ra tiêu bản nhỏ chính xác, chi tiết để bán lại cho du khách. Ví dụ có thể in ra: Thành Điện Hải, cầu Rồng, cầu Sông Hàn... để giới thiệu đến du khách. Lắp năng lượng mặt trời cho tòa nhà hành chính Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng cao 37 tầng sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nhằm khai thác nguồn điện tự nhiên, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng của tòa nhà. Điều này sẽ mang tính biểu tượng lớn và lan tỏa ra cả TP, khuyến khích mọi người sử dụng năng lượng xanh sạch và giá rẻ. Mới đây, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành về việc nghiên cứu, triển khai các đề xuất của công dân gửi chủ tịch TP. Trong đó, ông Thơ yêu cầu các cơ quan phải nêu rõ: Ý kiến của công dân có thực hiện được tại TP Đà Nẵng? Trong trường hợp thực hiện phải có điều kiện gì? Vấn đề nào do TP làm? Vấn đề nào kêu gọi xã hội hóa? Khi nào làm và làm ở đâu? |