Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 15.11.2010, ông Nguyễn Đức Đông, phó giám đốc một DN trên địa bàn H.Từ Liêm, điều khiển ô tô từ phố Phan Văn Trường rẽ trái ra đường Xuân Thủy. Khi đi đến ngân hàng tại số nhà 61, ông dừng xe dưới lề đường để rút tiền trong máy ATM thì bị lực lượng CSGT - trật tự - phản ứng nhanh của Q.Cầu Giấy lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định". Ngày 16.11.2010, căn cứ biên bản vi phạm nói trên, ông Đông bị Công an Q.Cầu Giấy ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày.
Biển báo cấm tùy hứng, lúc quay ra vuông góc, lúc song song với lòng đường - Ảnh: Thái Sơn |
Cho rằng quyết định xử phạt hành chính của Công an Q.Cầu Giấy là thiếu căn cứ, ông Đông đã 2 lần làm đơn khiếu nại gửi đến Công an Q.Cầu Giấy và Công an TP Hà Nội. Thế nhưng, các văn bản trả lời của cơ quan công an, theo ông Đông “là không hợp lý”. Đến ngày 16.2.2011, ông Đông quyết định khởi kiện.
Theo lập luận của ông Đông, các quy định pháp luật của Luật GT đường bộ quy định người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ "phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ" và "không được để phương tiện GT ở lòng đường, hè phố trái quy định". Tuy nhiên, trên đoạn đường ông bị phạt không có biển báo cấm, thì được hiểu là "không bị cấm đỗ xe" và "công dân được làm những gì luật không cấm". Mặt khác, căn cứ để Công an Q.Cầu Giấy ra quyết định xử phạt ông Đông là Quyết định 2053 ngày 27.5.2008 của UBND TP Hà Nội quy định các tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. Q.Cầu Giấy có 3 tuyến phố: Xuân Thủy - Cầu Giấy - Trần Duy Hưng nằm trong diện cấm. “Trên đoạn đường tôi đã đi không hề có biển báo cấm, tôi đã rẽ ở ngã ba cũng không hề có biển báo nhắc lại. Người tài xế đi trên đường thì họ chỉ biết nhìn vào biển báo mà chấp hành, chứ nói họ là theo quy định này quy định khác thì khác nào đánh đố nhau”, ông Đông bức xúc.
Kiểu gì cũng... "chết"
Qua khảo sát của PV, trên nhiều tuyến phố khác của Hà Nội còn tồn tại một kiểu biển báo “bẫy” khác là bị che khuất bởi các chướng ngại vật hoặc cây xanh. Cụ thể như tại khu vực đường vòng dưới chân gầm cầu Long Biên, thay vì đặt biển cấm đi ngược chiều dẫn lên cầu tại vị trí trên vỉa hè bên tay phải thông thoáng và cực kỳ dễ quan sát, thì cơ quan hữu trách lại cho cắm biển cấm bên tay trái và “núp” sau mấy thân cây cổ thụ. Lâu lâu, cây cỏ, cành lá mọc rủ che kín, công nhân công viên cây xanh không cắt tỉa là y như rằng một loạt những phương tiện lại theo nhau đi ngược chiều lên cầu Long Biên...
Hay tại khu vực cầu cạn Thanh Trì - Pháp Vân, trên một quãng đường khoảng 80m, nhưng có tới 10 biển báo dựng san sát nhau. Nếu muốn đọc hết nội dung thông tin trên 10 biển báo, tài xế không thể vừa đi vừa quan sát, còn dừng đỗ trên đường cao tốc thì sẽ vi phạm luật GT đường bộ...
Tình trạng cắm rồi lại tháo biển cấm trong một thời gian ngắn cũng khiến người tham gia GT gặp không ít rắc rối. Điển hình nhất là trường hợp cắm biển cấm đi ngược chiều trên phố Thụy Khuê. Khi Sở GTVT Hà Nội ra quyết định phân luồng GT một chiều ô tô trên toàn tuyến phố Thụy Khuê (chiều từ phố Mai Xuân Thưởng tới phố Văn Cao), ngày 16.3 biển cấm ô tô đi ngược chiều được cắm tại ngã ba giao với phố Thụy Khuê. Tuy nhiên, từ khi biển cấm dựng lên, GT ở khu vực này khá hỗn loạn, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Tới ngày 9.4, quyết định mới được đưa ra, ô tô được phép đi hai chiều như các phương tiện khác đoạn từ phố Mai Xuân Thưởng đến ngõ 567 Thụy Khuê, còn đoạn từ ngõ 567 Thụy Khuê tới Lạc Long Quân ô tô chỉ đi một chiều. Sáng 12.4, cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ biển cấm đã cắm vào ngày 16.3 khiến giới tài xế qua đây cứ rối tung, rối mù...
Theo Thái Sơn - Minh Sang (TNO)