Dân phản ứng, đơn vị chức năng đồng ý giảm phí qua trạm

Ngày 27-4, Bộ GTVT, cho biết Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng công ty Sông Đà về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cầu Rác, Dự án BOT xây dựng quốc lộ 1, đoạn tránh TP Hà Tĩnh.

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lưu thông qua trạm cầu Rác (Quốc lộ 1) theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Sông Đà.

Cuộc đối thoại giữa người dân và Tổng công ty Sông Đà tại huyện Cẩm Xuyên ngày 21-4. Ảnh: VIẾT LONG

Đề nghị UBND tỉnh Hà Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh phối hợp với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xác nhận cụ thể các phương tiện của đối tượng được giảm giá dịch vụ theo nội dung trên. Đồng thời, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tránh ùn tắc giao thông trong quá trình thu giá dịch vụ.

Tổng công ty Sông Đà khẩn trương phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục theo quy định để áp dụng giảm giá dịch vụ từ ngày 1-5.

Trước đó, sáng 16-4, nhiều người dân đã đưa xe tập trung ở hai đầu trạm thu phí cầu Rác nằm trên quốc lộ 1, thuộc xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để phản đối việc thu phí BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Có hơn 30 chiếc xe ben, xe tải và ôtô con tập trung ở hai đầu trạm thu phí. Rất nhiều xe đã dán biểu ngữ: “Chúng tôi không đi đường BOT tại sao phải trả phí”.

Theo người dân, việc đặt trạm thu phí BOT tại cầu Rác là rất bất cập. Năm 2005, Tổng công ty một thành viên hạ tầng Sông Đà đầu tư tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh với chiều dài 16km. Khi tiến hành thu phí, chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí ở cầu Rác, cách tuyến đường BOT này hơn 30km. Nhiều phương tiện khi tham gia giao thông trên quốc lộ 1 không qua tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh vẫn chịu phí.

Nhiều chủ phương tiện cho rằng trạm thu phí cầu Rác đặt sai vị trí, phải di dời đặt ở đầu hoặc cuối tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh mới đúng.

Sau đó, Tổng công ty Sông Đà (chủ đầu tư dự án) đã thực hiện giảm 50% mức phí qua trạm cho người dân, tuy nhiên người dân vẫn không đồng tình và yêu cầu giảm 100%. Cuối cùng, UBND huyện, nhà đầu tư phải đối thoại với người dân để xem xét ý kiến và đưa ra mức kiến nghị giảm trên với Bộ GTVT, Bộ Tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới