Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận. Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.
Theo bà Mai, hòa giải là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia thì công tác hòa giải có hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng muốn hòa giải hiệu quả cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng; cần nắm chắc luật pháp, phân công phải rõ vai, đúng người, đúng việc. Trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Nắm chắc, dự đoán lĩnh vực nào dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; đặc thù của vùng thành thị, vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào công giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Đề cập đến chủ đề của năm 2020 là “Năm dân vận khéo”, Phó Thủ tướng cho rằng muốn “hòa giải hay, dân vận khéo” thì cả hai việc phải có lý, có tình; không chỉ hòa giải viên, các tổ hòa giải mà cán bộ chính quyền các cấp phải thực sự vì dân; muốn dân hiểu phải có uy tín, nói trên quan điểm của nhân dân…