Cồn Hến là cồn đất nằm giữa sông Hương, phía bên trái kinh thành Huế. Cồn hiện tại có hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.500 nhân khẩu sinh sống. 24 năm trước, Cồn Hến được tỉnh Thừa Thiên-Huế quy hoạch làm khu du lịch sinh thái và dịch vụ cao cấp, tuy nhiên mãi chưa thể triển khai, đến nay buộc phải điều chỉnh quy hoạch.
Điều chỉnh quy hoạch Cồn Hến
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quy hoạch tổng thể khu vực Cồn Hến để xây dựng thành một khu du lịch và dịch vụ giải trí cao cấp vào năm 1998. Đến năm 2015, UBND tỉnh ban hành quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư với quy mô 26,4 ha, trong đó có 23,8 ha đất liền và khoảng 2,6 ha mặt nước bao quanh.
Tuy nhiên, đây là khu vực đông dân cư, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cần số tiền rất lớn nên một thời gian dài dự án chưa thể thực thi. Cũng từ đó đến nay, người dân nhiều thế hệ ở khu vực này sống trong cảnh quy hoạch “treo”.
Việc sống trong quy hoạch “treo” suốt 24 năm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều năm qua, quy hoạch Cồn Hến luôn được người dân quan tâm đặt vấn đề.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trong buổi họp với các sở, ngành, chủ tịch UBND tỉnh cho biết việc thực thi dự án tại khu vực Cồn Hến không khả thi do phải giải phóng mặt bằng lớn. Đồng thời, dân cư khu vực Cồn Hến gắn với đời sống văn hóa, nghề nghiệp đặc trưng nên cần thiết giữ lại.
Mới đây tại cuộc họp về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực cồn Hến, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có kết luận điều chỉnh quy hoạch khu vực này. Theo đó, tỉnh sẽ cải tạo chỉnh trang khu dân cư khu vực phía hạ lưu Cồn Hến và khai thác một phần quỹ đất phía thượng lưu với quy mô phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hải trong căn nhà xuống cấp trầm trọng ở Cồn Hến. Ảnh: NGUYỄN DO |
Người dân vui mừng
Theo ghi nhận của PV tại khu vực Cồn Hến, khu vực này nằm sát trung tâm TP Huế. Cây cầu Phú Lưu - nối Cồn Hến với khu dân cư bên ngoài đã rất cũ kỹ. Những con đường, trung tâm văn hóa cũng đã xuống cấp. Hình ảnh Cồn Hến trái hoàn toàn với sự phát triển của TP với nhiều cao ốc, cơ sở hạ tầng hiện đại.
Nói như ông Nguyễn Văn Vinh (67 tuổi, ở Cồn Hến): “Suốt 24 năm qua, thời gian ở Cồn Hến như ngừng trôi trong sự phát triển không ngừng của TP”. Ông Vinh cũng cho biết người dân Cồn Hến những ngày qua, ai nấy cũng vui mừng và bàn tán với nhau trước thông tin khu vực này sẽ được điều chỉnh.
“Tiếp tục được ở trên cồn, được làm nghề bún hến như bao đời nay là điều người dân nơi đây luôn mong muốn. Đồng thời khi điều chỉnh quy hoạch, người dân có cơ hội dựng nhà cửa, kinh doanh” - ông Vinh nói.
Một trong những hộ gia đình sinh sống ở Cồn Hến lâu đời, ông Nguyễn Văn Hải (60 tuổi) cũng cho biết căn nhà gia đình ông đang sinh sống là một trong những ngôi nhà lâu đời nhất trên Cồn Hến. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà của ông Hải hiện đã xuống cấp trầm trọng.
“Quy hoạch quá lâu khiến cuộc sống của người dân ở đây cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ như gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể vay vốn ngân hàng để làm ăn vì nằm trong quy hoạch…” - ông Hải chia sẻ.
Việc quy hoạch treo khiến nhiều ngôi nhà nơi đây xuống cấp, người dân rất khó khăn trong việc sửa chữa vì không biết bị dời đi khi nào. “Người dân mong muốn khi điều chỉnh quy hoạch, họ sẽ được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng những căn nhà, khi an cư thì mới lạc nghiệp được. Đồng thời bộ mặt của Cồn Hến cũng sẽ thay đổi” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao trách nhiệm cho UBND TP phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng, hoàn thiện phương án trình UBND tỉnh. Hiện tại, TP đang tiến hành rà soát và thống kê cụ thể đất đai tại khu vực Cồn Hến, sau đó tiến hành các bước tiếp theo để báo cáo cấp thẩm quyền.•
Cồn Hến sẽ được chỉnh trang như thế nào?
Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương: Khu vực Cồn Hến được chỉnh trang, hình thành dịch vụ công cộng, quảng trường, không gian mở và một phần quỹ đất ở với mục tiêu cân bằng cơ chế tài chính. Đồng thời, hình thành hệ thống giao thông với quy mô phù hợp kết nối các khu chức năng; hình thành hệ thống đường đi bộ, đường đi xe đạp quanh khu vực Cồn Hến.
Khu vực này cũng sẽ có trục chính giao thông xuyên suốt từ khu dân cư hiện trạng đến khu công cộng, quảng trường nhằm hình thành khu thương mại (buôn bán của người dân); hình thành cầu đường bộ nối từ bờ bắc qua Cồn Hến và qua bờ nam tại khu vực thượng lưu.
Thống nhất phương án quy hoạch cầu đường bộ kết nối hai bờ: Bờ nam từ đường Tuy Lý Vương sang Cồn Hến; bờ bắc từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và các vị trí cầu quy hoạch có điểm đỗ xe.