Đăng ảnh trẻ dưới 7 tuổi không xin phép sẽ bị phạt nặng

Đó là một trong những nội dung quan trọng tại hội thảo giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phát thanh-truyền hình và thông tin địện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay tại Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông), Thông tư 09 quy định tỉ lệ phát sóng chương trình truyền hình thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải đạt  2%-5% tổng thời lượng phát sóng của kênh chương trình trong tuần.

Các đài, kênh truyền hình phải ưu tiên khung giờ vàng, giờ sinh hoạt chung (6 giờ - 7 giờ 30; 12 giờ - 13 giờ 30; 18 giờ - 21 giờ) dành cho các tin tức, nội dung, chuyên đề về trẻ em. Đối với báo in và báo điện tử thì nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải được ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết để trẻ dễ dàng tiếp cận.

Ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử). Ảnh : Anh Thư

Ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử). Ảnh: Anh Thư

Ngoài ra, khi đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan thì phải làm mờ hoặc che mặt trẻ để đảm bảo thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ.

Khi sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em dưới bảy tuổi làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các xuất bản phẩm, chương trình phản ánh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ. Với trẻ trên bảy tuổi thì nhất định phải được sự đồng ý của chính trẻ.

Bộ cũng nhấn mạnh cơ quan báo chí, nhất là các đài, kênh truyền hình, các nhà xuất bản phải cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trước khi chương trình, tin tức được đăng tải, phát hành. Việc yêu cầu nội dung cảnh báo phải được thể hiện rõ ràng, dễ thấy, trước khi độc giả đọc, xem được toàn bộ nội dung.

Thông tư cũng khuyến khích phụ huynh quản lý, kiểm soát thời gian, nội dung thông tin trẻ tiếp cận để có các điều chỉnh phù hợp. Đồng thời khuyến cáo phụ huynh hướng dẫn con khi tiếp cận các chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm.

Trước đó, trong một buổi trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp, bà Đinh Thị Thúy Hằng (Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng hiện nay thời điểm phát sóng các chương trình truyền hình có nội dung nhạy cảm không dành cho trẻ em vẫn chưa được quy định cụ thể.

“Vấn đề này đã được các đài truyền hình trung ương và địa phương thay đổi một phần theo yêu cầu của khán giả nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Hy vọng khi Thông tư 09 được ban hành, các cơ quan báo chí, nhất là các đài, kênh truyền hình, các nhà xuất bản sẽ thực hiện hiệu quả, góp phần bảo vệ và xây dựng tương lai tốt nhất cho trẻ em Việt Nam” - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm