Chiều 17-4, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) thông tin nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhi BLT (nữ, 8 tuổi, ngụ TP.HCM) bị tổn thương viêm cấp hoại tử.
Đây là trường hợp thủng dạ dày vùng môn vị hiếm gặp ở trẻ em.
Khai thác bệnh sử ghi nhận sáng ngày nhập viện, trẻ đang ở trường học đột ngột than đau bụng nhiều, không sốt, ói ba lần ra thức ăn sáng.
Nhà trường thông báo phụ huynh đến đón và đưa nhập BV Nhi Đồng Thành phố với tiền căn chưa ghi nhận bệnh lý, không có dùng thuốc gì.
BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đừ, than đau bụng, môi hồng nhạt, chi ấm.
BS ghi nhận bệnh nhi mạch quay đều rõ, tim đều rõ, thở đều, bụng căng cứng (ấn đau), không hồng ban tay chân, không phù, không dấu xuất huyết da niêm.
BS chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phúc mạc nghi do thủng tạng rỗng (thủng dạ dày). Siêu âm ổ bụng ghi nhận hình ảnh dày thâm nhiễm mạc nối lan toả ổ bụng, dịch tự do ổ bụng lượng vừa, dịch có hồi âm.
Kết quả chụp X-quang bụng có hơi tự do trong ổ bụng. Xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, rối loạn điện giải.
Bệnh nhi được truyền dịch, kháng sinh. Các BS hội chẩn Ngoại khoa quyết định mổ khẩn.
Quá trình phẫu thuật nội soi ổ bụng thấy giả mạc rải rác khắp ổ bụng, dịch ổ bụng dơ, lượng nhiều, thám sát thấy vị trí dưới gan gần túi mật có nhiều giả mạc, dính.
Ê-kíp phẫu thuật tách dính và gỡ giả mạc thấy lỗ thủng vị trí môn vị mặt trước kích thước 5 mm, bờ sắc gọn, mô dạ dày xung quanh hơi sượng cứng. BS kiểm tra ruột và các tạng khác không ghi nhận bất thường.
Các BS tiến hành xén mép lỗ thủng dạ dày, khâu lại lỗ thủng môn vị, rửa bụng và gỡ dính giả mạc, hút sạch dịch ổ bụng, đặt ống dẫn lưu cạnh miệng khâu lỗ thủng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị.
Kết quả sau hơn một tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo hết đau bụng, rút được ống dẫn lưu, ăn uống khá.
Qua trường hợp này, BS Tiến khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý về chăm sóc đường tiêu hóa của trẻ như cho trẻ ăn chín, uống chín, ăn thức mềm dễ tiêu hóa, không chua quá, cay quá, nhiều gia vị quá vì dễ gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
Khi trẻ có biểu hiện triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy… cần đưa đến cơ sở y tế để được BS thăm khám, định bệnh chính xác để có kế hoạch điều trị thích hợp.
Không nên tự ý mua thuốc điều trị, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.