Đằng sau chuyến thăm 8 nước châu Âu của giới chức Trung Quốc

(PLO)- Trung Quốc nỗ lực muốn “giảm thiểu thiệt hại” trong mối quan hệ với châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 hôm 21-4, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình khẳng định việc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và chính sách tiêu chuẩn kép là không phù hợp với bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay.

“Toàn bộ quốc gia trên thế giới đang cùng chèo lái một con thuyền lớn với vận mệnh chung. Nếu muốn vượt qua những đợt sóng dữ dội và tiếp tục con đường hướng đến tương lai tươi sáng, các nước phải hành động theo cùng một hướng” - ông Tập khẳng định, theo tờ South China Morning Post.

Nhà lãnh đạo TQ tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ việc giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn. Ông ủng hộ mọi nỗ lực góp phần vào giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng, thay vì áp dụng những chiến thuật gây sức ép chính trị và làm gián đoạn nền kinh tế như cắt đứt chuỗi cung ứng vốn không mang lại hiệu quả cao.

Phát biểu nói trên được đưa ra trong bối cảnh một phái đoàn ngoại giao của TQ đang trên đường đến thăm tám quốc gia thuộc khu vực Trung và Đông Âu trong tuần này - động thái được coi là nỗ lực nhằm tìm cách đánh tan những nghi ngờ ngày càng tăng trong khu vực về mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow.

Quan chức Trung Quốc và EU trao đổi tại thượng đỉnh EU - Trung hồi tháng 4-2019. Ảnh: AP

Quan chức Trung Quốc và EU trao đổi tại thượng đỉnh EU - Trung hồi tháng 4-2019. Ảnh: AP

Trung Quốc muốn hàn gắn quan hệ với châu Âu

Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, danh sách các quốc gia mà đoàn TQ sẽ ghé thăm bao gồm Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan. Bà Hoắc Ngọc Trân, đại diện đặc biệt của TQ về hợp tác TQ - CEEC (các nước Trung và Đông Âu) sẽ là trưởng đoàn.

Đây là phái đoàn ngoại giao đầu tiên của TQ tới châu Âu kể từ khi Nga - Ukraine rơi vào xung đột quân sự hồi cuối tháng 2. Động thái này cũng diễn ra sau khi Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi nền tảng hợp tác “17+1” do TQ khởi xướng hồi năm ngoái, với lý do diễn đàn này không đem lại lợi ích thương mại như mong đợi.

Trả lời South China Morning Post, chuyên gia về TQ tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan - bà Justyna Szczudlik cho biết đây là chuyến đi mang tính chất giảm thiểu thiệt hại vì các nước Trung và Đông Âu đã “rất thất vọng” trước quan điểm của Bắc Kinh về xung đột Nga - Ukraine thời gian qua. Đến nay, TQ không lên án Nga như các nước phương Tây, cũng không công khai tuyên bố đứng về phía Nga.

Đối với Trung và Đông Âu, phản ứng của Bắc Kinh được diễn giải là “ủng hộ ngầm” chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow.

Hoàn Cầu thời báo cũng xác nhận mục đích của chuyến thăm là nhằm xóa đi “những hiểu lầm” về lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tờ này dẫn lời vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao TQ - ông Vương Lỗ Đồng khẳng định Mỹ đang nỗ lực “tấn công” lập trường độc lập của TQ về Ukraine khiến các nước ở Trung và Đông Âu có hiểu lầm không đáng có về TQ. “Phái đoàn TQ lần này sẽ cố gắng làm rõ lập trường của TQ, bác bỏ thông tin sai lệch và làm rõ những hiểu lầm” - ông Wang nhấn mạnh.

Còn theo GS Vương Nhất Vĩ, chuyên nghiên cứu về châu Âu tại ĐH Nhân dân (TQ), chuyến thăm này là hành động kịp thời và cần thiết vì Bắc Kinh cần làm rõ lập trường của mình về chiến sự ở Ukraine.

“Ưu tiên lúc này là TQ phải làm rõ mối quan hệ với Nga chính xác là gì. Thứ hai, TQ phải làm rõ TQ và Nga là hai quốc gia khác nhau, từ đó vạch rõ quan điểm với xung đột Nga - Ukraine là như thế nào. Đây là những yêu cầu quan trọng nếu TQ muốn giành được sự ủng hộ từ các quốc gia Trung và Đông Âu lúc này” - ông Vương nói.

Quan hệ Trung - Nga ngày càng thân thiết

Hồi ngày 18-4, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lạc Ngọc Thành có cuộc hội đàm với Đại sứ Nga tại TQ Andrey Denisov. Đài CGTN cho biết ông Lạc khi đó đã khẳng định dù tình hình quốc tế diễn biến như thế nào, TQ vẫn sẽ tăng cường phối hợp chiến lược với Nga với mục tiêu hợp tác đôi bên cùng có lợi và cùng bảo vệ lợi ích chung của hai nước.

Hôm 21-4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tiếp tục lên tiếng cảnh báo nếu TQ có bất kỳ động thái nào hỗ trợ Nga thì Mỹ sẽ sẵn sàng áp đặt trừng phạt nặng nề để đáp trả. Bà cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ học được “những bài học đúng đắn” từ tình hình ở Ukraine, bao gồm việc không thể chia rẽ Mỹ và các đồng minh, theo hãng tin AP.

Ông Tập bất ngờ đề xuất Sáng kiến về an ninh toàn cầu

Cũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, ông Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất về cái gọi là Sáng kiến về an ninh toàn cầu để thúc đẩy an ninh trên toàn thế giới.

“Chúng ta nên đề cao nguyên tắc an ninh không thể tách rời, xây dựng cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối một nước xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh cho các nước khác” - ông Tập nhấn mạnh.

Nguyên tắc “an ninh không thể tách rời” thường được hiểu là an ninh của một quốc gia không thể tách biệt với các nước khác trong khu vực. Khái niệm này từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn khi phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông

Dù sáng kiến của ông Tập chưa có nội dung cụ thể, song giới chuyên gia lưu ý đây là lần đầu TQ đề cập “an ninh không thể tách rời” bên ngoài bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, dường như nhằm ám chỉ các hoạt động của Mỹ tại châu Á, hãng tin Reuters cho biết.

“Nếu TQ cho rằng Mỹ và đồng minh phớt lờ quan ngại an ninh của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, họ có thể viện dẫn khái niệm “an ninh không thể tách rời” để tìm biện pháp đáp trả” - PGS Lý Minh Giang thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cảnh báo.

Trong khi đó, chuyên gia Jude Blanchette thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho rằng bài phát biểu của ông Tập có thể là nỗ lực quảng bá chính sách đối ngoại của Bắc Kinh như một giải pháp cho bất ổn toàn cầu hiện nay. “Tôi không thấy cấu trúc an ninh cụ thể mới nào được thiết lập trong vấn đề này, vì vậy tôi cho rằng đây là cách TQ lồng ghép thế giới quan của mình vào mạng lưới an ninh quốc tế” - ông Blanchette nói.

Hồi đầu tháng 2, Bắc Kinh và Moscow cũng đã tuyên bố hợp tác giữa hai nước là “không giới hạn” sau cuộc gặp giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. “TQ cần làm rõ rằng hợp tác “không giới hạn” chỉ là một cách để răn đe Mỹ chứ không liên quan tới tình hình Nga - Ukraine” - ông Vương Nhất Vỹ nói.

Trong khi đó, chuyên gia Szczudlik nhận định Bắc Kinh dường như đã ý thức được rằng các nước trong khu vực đang mất dần thiện cảm với TQ. Do đó, phái đoàn TQ sẽ cố gắng thuyết phục các nước Trung và Đông Âu rằng vẫn còn không gian hợp tác và “16+1” (vốn là 17+1 trước khi Lithuania rút khỏi) vẫn còn phù hợp. Năm nay là kỷ niệm 10 năm diễn đàn này ra đời.

Tuy nhiên, việc Lithuania ra đi đã khiến khuôn khổ hợp tác này rơi vào khủng hoảng sâu sắc và thái độ của TQ đối với Nga có thể khiến 16+1 bị “đóng băng dài hạn” hoặc thậm chí ngừng hoạt động trong tương lai gần.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm