Theo thông tin từ phía gia đình,nghệ sĩ Văn Hường đã qua đời ở tuổi 90 tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Được biết, trước đó 10 ngày, nghệ sĩ Văn Hường nhập viện điều trị xuất huyết não. Vì tuổi cao sức yếu, ông được các con chăm sóc tại nhà riêng trong thời gian qua.
Nghệ sĩ Văn Hường tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hường sinh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ thuộc TP Thủ Đức. TP.HCM.
Ông sinh ra trong một gia đình làm nông, có mười mấy người con nhưng vì ông là con thứ 6 nên bạn bè hay gọi là Sáu Văn Hường.
Từ nhỏ, nghệ sĩ Văn Hường chỉ nghe đài phát thanh và thuộc nằm lòng nhiều bản nhạc, câu hò, điệu lý.
Năm 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán hột dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo. Nghệ sĩ Lệ Liễu thấy ông còn nhỏ mà ca rất mùi bèn rủ hát cùng rồi ông bắt đầu theo đuổi ca hát.
Tình cờ, ông bầu Bảy Cao, bầu gánh hát Hoa Sen ghé chơi, khi nghe Văn Hường ca, ông liền chú ý và cùng nhiều nghệ sĩ khác đến xem để nhận xét.
Trong số những người trong nghề đến nghe Văn Hường ca, có soạn giả NSND Viễn Châu và từ khi lọt vào mắt xanh "Vua vọng cổ", cuộc đời Văn Hường sang một trang mới.
Văn Hường biết mình không được điển trai, miệng lại móm và thiếu chiều cao, nên khi nghe bầu Bảy Cao và soạn giả NSND Viễn Châu hướng dẫn làm hề ca, ông đồng ý ngay. Có thể nói, giọng ca đặc trưng hài hước của nghệ sĩ Văn Hường đã đi vào huyền thoại với trường phái dùng bài ca cổ châm biếm, lên án thói hư tật xấu.
Nhắc đến ông, khán giả mê vọng cổ hài nhớ ngay đến nhân vật "Tư Ếch" qua bài vọng cổ hài nổi tiếng do soạn giả Năm Châu viết là bài Tư ếch đi Sài Gòn.
Ngoài ra, còn có các bài vọng cổ hài như Tư ếch đi chợ, Tư ếch đi hội chợ, Tư ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội, Tứ đổ tường, Tư ếch đại chiến Văn Hường, Văn Hường đi Suzuki, Văn Hường đội sổ về trời, Văn Hường mê số đề, Văn Hường năm vợ, Văn Hường thương vợ nhỏ, Vợ tôi đẹp ác, Vợ tôi đi coi bói…
Năm 1972, nghệ sĩ Văn Hường hợp tác với vua ngâm thơ Tao Đàn, cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên Thanh Hải - Văn Hường.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn cải lương Sống Chung (Phước Chung).
Năm 1987, do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM cho đến ngày nay.
Hồi tháng 7-2023, Hội Sân khấu TP HCM đã rà soát lại những trường hợp nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học - nghệ thuật để được nhận trợ cấp hằng tháng của Thành ủy TP.HCM. Trong đó có 3 nghệ sĩ là Văn Hường, Hồng Nga và NSƯT Lê Thiện.
Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, lễ nhập quan 6 giờ ngày 8-12, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 11-12, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên TP Thủ Đức.