Đánh thuế 50.000 đồng/kg, túi nylon khó phân hủy vẫn bán tràn lan với giá rẻ

(PLO)- Cử tri TP.HCM nêu vấn đề mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi nylon khó phân hủy đã tăng lên 50.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ 25.000 - 40.000 đồng/kg, vậy thật sự mặt hàng này đều được thu đủ và đúng thuế?

Ngày 1-10, HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi chính quyền trả lời" tháng 10 với chủ đề "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa".

Trưởng ban đô thị HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, từ năm 2018 đến nay, TP.HCM đã triển khai bốn kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sản phẩm nhựa dùng một lần và đạt được một số kết quả ban đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, việc sử dụng bao nylon, sản phẩm nhựa mang lại những tiện ích nhất định với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp… Tuy vậy, sự tiện lợi này cũng mang lại nhiều nguy hại cho môi trường sống và sức khoẻ con người. Nguyên nhân rác thải nhựa khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên, mỗi loại có thời gian phân huỷ khác nhau và có thể kéo dài hàng trăm năm.

dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi-rac-thai-nhua.jpg
Chương trình "Dân hỏi chính quyền trả lời" tháng 10-2023 với chủ đề "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa". Ảnh: Chụp màn hình

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, cho biết giá thành sản phẩm nhựa thân thiện môi trường vẫn còn cao trong khi túi nilon thông thường vẫn được kinh doanh đại trà.

Theo bà Trân, túi nylon khó phân hủy có giá thành rẻ hơn một nửa so với túi tự hủy và được bày bán khắp nơi, nhiều nguồn hàng trôi nổi.

Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Định, quận 1, cho biết tỉ lệ tiểu thương tại chợ này sử dụng túi nylon khó phân hủy còn nhiều vì giá thành rẻ, dễ tiếp cận.

Ông Thiện nêu thắc mắc, mức thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì, túi nylon khó phân hủy đã tăng lên 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán ra hiện nay thấp hơn, chỉ có 25.000 - 40.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều đơn vị cung cấp túi thân thiện môi trường không thể cạnh tranh được, vì giá thành của loại túi này khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Từ đó, ông Thiện đặt vấn đề là có thật sự mặt hàng túi nilon khó phân hủy đều được thu đủ và đúng thuế?

Bà Quang Mỹ Dung, ngụ quận 6 có ý kiến, túi thân thiện với môi trường thường giá thành sẽ cao hơn, rất khó bán. Loại túi này cũng sẽ tự rã nếu để lâu. Nếu người bán muốn bán mà người dân không mua thì cũng khó.

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tái chế nhựa Duy Tân Huỳnh Ngọc Thạch cho rằng, những cơ sở thu gom và tái chế theo công nghệ truyền thống vẫn còn tồn tại khá nhiều. Những cơ sở này cạnh tranh sản lượng đầu vào nhưng chất lượng tái chế ra, việc xử lý môi trường trong quá trình tái chế lại không tuân thủ quy định, làm ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Giang Văn Hiển, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM thông tin, theo quy định thuế và các nghị định liên quan, túi nylon khó phân hủy sẽ chịu thuế 50.000 đồng/kg, bao bì thân thiện miễn thuế.

Hiện nay, số lượng sản xuất túi nylon trên địa bàn TP không nhiều nhưng lượng túi tiêu thụ lớn từ nhiều nguồn nên chưa được quản lý chặt chẽ được.

Ông Hiển nói cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chỉ đạo các Chi cục thuế, các phòng chức năng kiểm soát kỹ việc kê khai thuế đối với túi nylon khó phân hủy. Cục Thuế TP cũng sẽ rà soát, kiểm tra những thông tin mà cử tri cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT cho biết TP.HCM là địa phương đi đầu trong tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi nylon, nhựa dùng một lần; khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, hỗ trợ thúc đẩy thu gom, tái chế chất thải nhựa.

Năm 2006, TP đã thành lập quỹ tái chế nay gọi là Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ, xúc tiến cho vay ưu đãi các hoạt động thu gom tái chế chất thải. Năm 2014, UBND TP.HCM cũng đã ban hành chỉ thị 23 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nylon.

Rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày thì có 1.800 tấn rác thải nhựa nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế.

Chợ truyền thống giảm túi nylon chưa hiệu quả

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, năm 2022, các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại… đã gần như chuyển qua túi thân thiện. Chỉ còn hơn 0,17% không sử dụng do đựng loại hàng hóa đặc trưng.

Với các chợ truyền thống, Sở Công Thương đặt mục tiêu sử dụng túi thân thiện đạt 50% năm 2022; 65% năm 2023. Mục tiêu này đến nay chỉ đạt hơn 17%. Sở Công Thương sẽ phối hợp các đơn vị và cùng ngồi lại đánh giá vì sao các giải pháp đưa ra chưa thành công. Qua đó, điều chỉnh phù hợp, giải pháp nào tốt sẽ thí điểm, nhân rộng.

Trưởng ban đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá, chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn TP.

TP.HCM đã đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm