Ngày 25-5, làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Bangkok (Thái Lan) đã thu hút đông đảo người tham gia hơn hôm trước.
Theo AFP, hơn 1.000 người đã xuống đường biểu tình. Họ tuần hành ở khu thương mại trong tiếng hò reo cổ vũ của người đi đường. Họ hô to khẩu hiệu “Đi đi” và trương biểu ngữ ghi dòng chữ “Chấm dứt đảo chính”.
Xô đẩy đã xảy ra giữa những người biểu tình với các binh sĩ khi các binh sĩ bắt giữ hai người biểu tình. Không khí rất căng thẳng. Những người biểu tình khạc nhổ vào các binh sĩ.
Anh Visarut, 30 tuổi, tự xưng là giáo sư đại học ở ĐH Chulalongkorn nói: “Tôi không sợ quân đội… Tôi ở đây để chứng minh chỉ có bầu cử mới có thể giải quyết khủng hoảng chính trị và người dân Thái Lan phải có quyền bầu lãnh đạo của họ”.
Anh này buộc tội quân đội: “Quân đội hứa không đảo chính nhưng họ không tôn trọng lời hứa. Cho dù họ bắt giữ người của hai phe, phe áo vàng cũng như phe áo đỏ nhưng đó chỉ là trò lừa đảo. Họ ủng hộ phe áo vàng”.
Biểu tình ngày 25-5 tại Bangkok. Ảnh: AP
Trong ngày 25-5, các nhân chứng ghi nhận đã có nhiều cuộc tập hợp biểu tình ở tỉnh Khon Kaen (đông bắc Thái Lan) và số lượng binh sĩ gia tăng trên đường phố tỉnh Chiang Mai (miền Bắc).
Những nơi này được xem là địa bàn chủ chốt của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và cánh áo đỏ trung thành với Thaksin.
Sáng 25-5, người phát ngôn quân đội Winthai Suvaree đã thông báo trên đài truyền hình cảnh báo những người tham gia biểu tình có thể bị giam đến hai năm tù.
Để trấn an công chúng, người phát ngôn quân đội khẳng định những người ra trình diện không bị còng tay, không bị đánh đập, không bị tra tấn và bị tạm giữ tối đa bảy ngày theo đạo luật về thiết quân luật.
Đến chiều, Trung tướng Apirat Kongsompong, tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh ở Bangkok, tiếp tục cảnh báo quân đội sẽ không khoan dung cho bất kỳ cuộc biểu tình nào sau Chủ nhật 25-5.
Tướng Kongsompong tuyên bố: “Chúng tôi cho các bạn cơ hội biểu tình cuối cùng vào hôm nay. Nếu các bạn cứ tiếp tục biểu tình, chúng tôi sẽ phải có biện pháp”.
Lần đầu tiên sau đảo chính, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã lên tiếng. Trên tài khoản Twitter, ông cho biết cảm thấy đau buồn. Ông kêu gọi quân đội tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế.
Đến nay, quân đội đã bắt giữ hơn 200 nhà chính trị và giáo sư đại học, trong đó có nguyên Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, Thủ tướng tạm quyền bị lật đổ Niwattumrong Boonsongpaisan, lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban, nguyên Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (đảng Dân chủ).
Theo AFP, nhà báo Thái Lan Pravit Rojanaphruk là phóng viên đầu tiên đến trình diện theo lệnh triệu tập của quân đội. Nhà báo này đã lấy băng keo đen bịt miệng nhằm tố cáo lệnh hạn chế báo chí hoạt động sau đảo chính.
Một số nhà quan sát nhận định cuộc đảo chính quân sự lần này ở Thái Lan là âm mưu mới của các tầng lớp ưu tú ở Bangkok xoay quanh hoàng gia nhằm cắt đứt ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin. Họ cho rằng ảnh hưởng này đe dọa đến nền quân chủ và phát tán mạng lưới tham nhũng.
Ngày 24-5 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thông báo do tình hình đảo chính ở Thái Lan, quân đội Mỹ đã quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Thái Lan. Chuyến thăm Thái Lan vào tháng 6 tới của Đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, cũng bị hủy. |
HOÀNG DUY