Ngày 29-7 tại TP Istanbul, 21 nhà báo ra hầu tòa liên quan vụ đảo chính thất bại ngày 15-7 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng cộng có 89 nhà báo bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt. 42 người trong số này đã bị bắt, 21 người trong số này đã hầu tòa. Số nhà báo còn lại đang bị truy nã. Hàng chục cơ quan truyền thông, phần lớn có liên quan đến phong trào Gulen đã được lệnh phải đóng cửa từ ngày 27-7.
Trả lời báo chí ngày 29-7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng những nhà báo này đã làm việc cho các cơ quan truyền thông thuộc về tổ chức khủng bố phong trào Gulen. “Họ không chỉ làm công việc của nhà báo, họ còn bịa đặt chứng cứ phục vụ cho phong trào Gulen. Chúng tôi cần phân biệt họ với những nhà báo thật sự.”
Nữ nhà báo Nazli Ilicak (áo trắng, giữa), một cây viết bình luận nổi tiếng và là cựu nghị sĩ Quốc hội bị cảnh sát bắt ở TP Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 26-7. (Ảnh: REUTERS)
Sau vụ đảo chính đã có gần 16.000 người bị bắt. Hàng chục công chức trong nhiều lĩnh vực như tư pháp, giáo dục, y tế... bị sa thải vì nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng sau giật dây vụ đảo chính.
Trong ngày 29-7, Bộ Các vấn đề về EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công việc của 16 người và sa thải sáu người liên quan phong trào Gulen.
Giải thích với báo chí ngày 29-7, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho rằng chính phủ truy quét mạnh thế là nhằm đảm bảo không để chuyện tương tự có cơ hội xảy ra lần nữa. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp sau vụ đảo chính thất bại làm 290 người chết.