Chính quyền đã đóng cửa ba hãng thông tấn, 23 đài phát thanh, 16 kênh truyền hình, 45 tờ báo, 15 tờ tạp chí và 29 nhà xuất bản và nhà phân phối trong nỗ lực đàn áp truyền thông.
Chính phủ đã ra sắc lệnh sa thải 1.684 quân nhân, trong đó bao gồm 149 tướng lĩnh và đô đốc, gần một nửa số cán bộ cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.
Sau cuộc đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa tất cả các trường quân sự, kênh Al Jazeera Turk đưa tin. Sắc lệnh này được đưa ra nhằm đuổi tất cả sĩ quan quân sự từ các trường trung học quân sự nhưng họ có thể tiếp tục theo học tại các trường học thường xuyên.
Sáng 27-7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 47 nhà báo từng làm việc cho tờ Zaman. "Các giám đốc điều hành và một số nhà báo Zaman đã bị bắt" - một quan chức chính phủ trả lời phóng viên.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang được chính phủ Ankara thay máu quyết liệt. Ảnh: REUTERS
Nhà báo Emre Deliveli nói với tờ Reuters rằng tình trạng khẩn cấp đang diễn ra tạo điều kiện cho chính phủ đàn áp các phương tiện truyền thông. Nhiều nhà báo có thể bị bắt giữ dù không có bằng chứng sai phạm nào.
"Một số nhà báo sẽ được thả. Dưới tình trạng khẩn cấp như hiện nay, họ có thể bị giam giữ tới một tháng mà không có bất cứ lý do gì. Một số người có thể sẽ bị buộc tội khủng bố" - ông Deliveli nói.
Nói về mục tiêu cuối cùng của lệnh cấm truyền thông trong chiến dịch "chống khủng bố", nhà báo này cho rằng Tổng thống Erdogan muốn bịt miệng không chỉ các tờ báo theo Gulen mà còn cả phe đối lập và các phương tiện truyền thông độc lập.
"Chính phủ có thể tiếp tục đàn áp và bắt giữ thêm các nhà báo có dính dáng tới hai tờ báo Zaman và Today’s Zaman. Những người chống lại chính phủ cũng có thể bị bắt. Đây là cơ hội để bắt giữ bất cứ ai chống lại chính phủ".
Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkana Ala, hơn 15.000 người đã bị giam giữ kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra. Tổng cộng có 8.113 người đã bị bắt chính thức và đang chờ xét xử.
Ngày 27-7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận có 8.651 binh sĩ đã tham gia vào cuộc đảo chính.