Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Safak dẫn nguồn tin thân cận cho biết tướng John F. Campbell, 59 tuổi, là một trong những nhân vật hàng đầu đứng ra tổ chức và chỉ đạo binh sĩ tham gia cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đêm 15-7.
Theo Yeni Safak, nhờ những mối quan hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Campbell đã xử lý giao dịch tổng trị giá hơn 2 tỉ USD thông qua Ngân hàng UBA ở Nigeria để phân phát cho những binh sĩ tham gia đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng Mỹ John F. Campbell, cựu tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan. Ảnh: Stripes
“Hàng triệu USD đã được chuyển từ Nigeria tới Thổ Nhĩ Kỳ bởi một nhóm người làm việc trong CIA. Số tiền này được phân chia cho một nhóm đặc biệt CIA gồm 80 người, nhằm mua chuộc những tướng lĩnh tham gia đảo chính. Sau khi rút tiền từ tài khoản ngân hàng, nhóm CIA này đã cầm tiền phân phát cho những kẻ khủng bố mặc quân phục”.
Trong khoảng thời gian kể từ tháng 5 đến thời điểm xảy ra đảo chính, ông Campbell đã có ít nhất hai chuyến thăm bí mật tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ Yeni Safak cho hay ông Campbell còn có các cuộc gặp tối mật tại căn cứ không quân Erzurum và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ cáo buộc trên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói các cáo buộc đối với ông Campbell là vô căn cứ.
Trước đó, Tổng thống Erdogan đã cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ là nhân vật đứng sau đảo chính đêm 15-7.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 25-7 cảnh báo mối quan hệ với Mỹ có thể xấu đi nếu Mỹ không dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Washington nhiều lần đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng “thép” chứng minh ông Gulen là kẻ chủ mưu trước khi bàn tới các thủ tục dẫn độ.
RT cho hay sau khi xuất hiện thông tin tướng về hưu NATO John F. Campbell bị nghi là chủ mưu đảo chính, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng điều này như một cái cớ để gây áp lực buộc Mỹ phải dẫn độ ông Gulen.
Những binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt sau đảo chính. Ảnh: news.com.au
Sau đảo chính bất thành, Tổng thống Erdogan mở chiến dịch thanh trừng quy mô chưa từng có. Đã có 13.165 người bị bắt vì nghi dính líu tới đảo chính. Trong số đó, có 8.838 viên sĩ quan cảnh sát, 52 nhà chức trách địa phương 2.101 thẩm phán và công tố viên, liên quan đến cuộc đảo chính.
Ông Erdogan còn đóng cửa hàng trăm trường học, ký túc xá, trường đại học, tổ chức, sở y tế, công ty vì có liên quan đến tổ chức mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “Tổ chức khủng bố Fethullahist”.
Tòa án Ankara thông qua một bản cáo trạng chung gồm 73 nghi phạm, bao gồm ông Gulen, hôm 23-7. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Erdogan khẳng định người thân tín cũ Gulen là “kẻ phản bội không trung thực”.