Hôm qua (25-5), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế, xã hội. Đánh giá cao những thành tựu về tăng trưởng, phát triển kinh tế nhưng nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra lo ngại với thực trạng đạo đức, văn hóa suy thoái với những vụ việc gây chấn động xã hội xảy ra gần đây…
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phản ánh vấn đề suy thoái về đạo đức, vấn đề kỷ cương phép nước chưa nghiêm… và hậu quả của nó là những chuyện “động trời, khó tin” xảy ra trong thời gian qua.
“Những hành vi mất nhân tính như than củi tre làm thuốc trị ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non. Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận và còn nhiều câu chuyện buồn khác…” - ông dẫn chứng đồng thời bày tỏ: “Cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa”. Theo đó, ĐB Cầu đề nghị Quốc hội, Chính phủ “cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn những hành vi mất nhân tính như trên càng nhanh càng tốt”.
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho hay cử tri còn nhiều lo lắng trước những vấn đề như bạo hành gia đình, bệnh viện và nạn xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: QH
Tương tự, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thì cho hay cử tri còn nhiều lo lắng trước những vấn đề như bạo hành gia đình, bạo lực trong trường học, bệnh viện, xâm hại tình dục trẻ em; những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trong xã hội; hành vi hủy hoại môi trường, sản xuất hàng giả, thực phẩm bẩn độc hại. “Tương lai của dân tộc sẽ ra sao khi gia đình, nhà trường không còn là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, khi mà hai nghề đầy tính nhân văn theo truyền thống dân tộc được tôn vinh là những nghề cao quý như thầy giáo, thầy thuốc nay trở thành những nghề nguy hiểm?” - ông nói.
Cùng chia sẻ điều này, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cũng dẫn nhận định của cử tri là “phát triển kinh tế của ta chưa song hành cùng phát triển văn hóa”. “Khi đạo đức con người trong gia đình và ngoài xã hội đang bị xói mòn, bị rạn nứt, tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn trong xã hội. Kinh tế có phát triển đến đâu đi chăng nữa mà chúng ta không quan tâm kiến tạo, giữ gìn đạo đức, hình ảnh của con người Việt Nam thì chúng ta tự đánh mất chúng ta, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa” - ông bình luận. Theo đó, ĐB Công đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa việc dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập, thực thi pháp luật nghiêm minh. Có như vậy mới khắc phục được nhiều hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, khắc phục được bệnh vô cảm, giảm bớt đi các tệ nạn xã hội, việc quản lý nhà nước sẽ nhẹ nhàng hơn.