HUYỀN THOẠI ĐẠO SĨ THẤT SƠN - BÀI 5:

Đạo sĩ và võ học

Để sinh tồn và ẩn danh làm chuyện lớn, hầu hết đạo sĩ ngày trước đều học võ. Ở Thất Sơn vốn còn vị đạo sĩ cao niên là ông Ba Lưới (tên thật Nguyễn Văn Y), kể cho chúng tôi nghe về một số loại hình võ thuật kỳ lạ mà ông từng nghe biết.

Võ hữu hình và võ siêu hình

Dân gian chia võ làm hai loại: Một là võ hữu hình (tức luyện tập công phu, dùng cơ bắp và kỹ năng thế võ). Loại thứ hai là võ siêu hình như bùa phép, tàng hình, thiên linh, hộ pháp…

Ông Ba Lưới ngày trước chủ yếu học võ Thiếu lâm Thất Sơn cổ truyền, lấy võ lực và sức mạnh làm nguồn sống căn bản của con người; lấy đạo hạnh làm phương châm cứu đời của người võ sĩ đạo, mong muốn trở thành người đóng góp hữu ích cho xã hội.

Theo ông Ba Lưới, ngày xưa ai học võ Thiếu lâm đều phải giữ trọn lời thề với những quy định nghiêm ngặt của môn phái. Do người học võ ngày trước đa phần là đạo sĩ nên chỉ cố công luyện tập theo võ cổ truyền, hiếm người học loại hình võ học thứ hai.

Ông Ba Lưới cho hay sở dĩ ngày trước tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín xưng bá một phương ở vùng Bảy Núi là nhờ học được thiên linh. Môn võ này hầu như không có chiêu thức, cũng chẳng đánh thắng được ai. Chỉ có điều học được nó là có thể tàng hình. Người luyện võ ra vào bất kỳ nhà ai cũng không bị phát hiện. Nhờ vậy mà ngày xưa Đơn Hùng Tín sang Cao Miên (Campuchia), vào nhà trộm lấy của người giàu mang về phân phát cứu khổ cho dân nghèo vùng Bảy Núi. “Ổng ra vào mấy tiệm vàng như chơi. Chủ tiệm không hiểu vì sao vàng bị mất trong khi dấu tích gì cũng chẳng thấy” - ông Ba Lưới kể.

Võ bùa

Ở Thất Sơn còn có môn võ ít người theo nhưng hiệu lực phi thường, gọi là Thần quyền Thất Sơn hay Sình tả. Theo dân gian thì Thần quyền còn gọi là võ bùa. Người theo môn võ ấy không cần luyện tập nhiều mà chỉ cần thổi hương, uống bùa, gọi thần chú là có sức mạnh, muôn người không địch nổi… Bởi cách thức có phần thần bí mà nhiều môn phái khác luôn tìm đến phân tài cao thấp. Vì thế có một thời môn võ này phải lui vào ẩn dật. Các vị cao niên vùng Bảy Núi ngày nay chỉ còn nhớ mang máng ngày trước có một vị cao tăng người Ấn Độ lưu lạc sang Việt Nam, ông chọn vùng Bảy Núi làm chốn tu hành, mang theo môn võ kỳ lạ và đầy bí ẩn này.

Đạo sĩ và võ học ảnh 1

Dãy núi huyền bí Thiên Cấm Sơn (núi Ông Cấm) được cho là nơi tướng cướp Đơn Hùng Tín một thời ngang dọc, lấy của người giàu chia cho dân nghèo. Ngày nay nơi đây như Đà Lạt thứ hai ở miền Tây với dải sương mù dày đặc trong những ngày cận tết. Ảnh: VĨNH SƠN

Khi nhập môn, môn đồ của môn phái Thần quyền phải đứng trước bàn thờ thề đủ chín điều (càng học cao thì số lời thề càng tăng thêm và cao nhất là 16 điều). Sau đó, mỗi người sẽ được sư phụ phát cho hai lá bùa. Trên những lá bùa ấy có vẽ hình đạo sĩ ngồi thiền và những thông số mật mã của môn phái. Trước khi truyền thụ những câu thần chú, bí kíp võ công thì hai lá bùa ấy được đem đốt lấy tro hòa vào nước cho người mới nhập môn... uống cạn. Thần chú của môn phái thì có rất nhiều như chú gồng, chú xin quyền, chú chữa thương... Người được truyền thần chú cứ tự mình gọi chú mà xin sức mạnh, tập quyền cước.

Trước khi tập, người luyện Thần quyền phải được sư phụ khai thông tất cả huyệt đạo trên cơ thể. Việc ấy, các sư phụ thường làm bằng cách dùng nắm nhang đang nghi ngút khói thổi vào huyệt đạo của đệ tử. Môn sinh là nam giới thì dùng bảy nén nhang thổi bảy lần vào mỗi huyệt đạo. Môn sinh là nữ thì dùng chín nén và thổi đúng chín lần. Lời chú ấy không được phép tiết lộ cho bất kỳ ai. Truyền chú xong, sư phụ bảo cứ nhẩm theo câu chú ấy mà luyện. Chú nhập đến đâu thì công phu tự khắc... ra đến đó.

Đạo sĩ Ba Lưới kể người học võ Sình tả thấy mình lâng lâng như say rượu. Lúc thì thấy tay nhẹ bẫng, khi thì thấy nặng như khuân khối sắt vạn cân. Khi đã “nhập đồng” thì cảm giác mờ ảo, lúc thấy mình biết chưởng, lúc thì lăn lộn trên đất, lúc thì nhảy tưng tưng trên không, lao đầu vào tường cũng không hề hay biết. Khi gặp đối thủ, người học bị đánh tơi tả nhưng chẳng hề hấn gì. Người dùng Thần quyền chẳng cần để mắt đến đối phương, cứ cho họ tấn công thoải mái. Rồi như có ai điều khiển, bỗng nhiên tay chân người nắm Thần quyền vung ra cú đòn cực mạnh, đối thủ lập tức văng ra xa và nằm bất động.

Người đánh võ Sình tả trước khi xuất chiêu đưa hai bàn tay câu nhau kiểu quay ngược, cùng đưa lên trán vẽ ngoằn ngoèo, khuôn mặt bỗng đỏ bừng. Người ta gọi đó là Quan công Thánh đế nhập hồn. Khi đánh thì gần như không vật gì có thể đả thương. Người đánh võ này tỏ ra oai lực phi thường, đạn bắn không chắc thủng. Tuy nhiên, với môn võ này, biết cách trị cũng rất dễ. Đối thủ chỉ cần mang những thứ gọi là sắc dục như hình thể phụ nữ khỏa thân trưng ra trước mắt người đánh võ thì người này lập tức không còn chút công lực. Khuôn mặt tái mét và hiệu lực của võ cũng tan theo mây khói. Dân gian truyền rằng do Quan thánh là bậc chính nhân, không tham ái ố, sắc dục nên khi thấy những thứ dơ bẩn liền… hồn lìa khỏi xác người luyện võ!

Thiếu lâm Thất Sơn và những quy định nghiêm ngặt

Trước hết là một lòng hiếu thảo với cha mẹ, không phản môn phái, không phản thầy, bạn. Coi bạn như anh em ruột thịt, không cưỡng bức kẻ yếu. Không làm điều gian ác, không ham mê tửu sắc, không nản chí luyện tập, không thoái lui lúc hiểm nguy. Người học võ luôn bảo vệ kẻ yếu, nhịn kẻ mất lòng ta, thi hành nghiêm chỉnh những lời thầy dạy; không tự cao, tự đắc, cứu người trong lúc nguy nan...

Người học phải năng luyện thân, tâm đồng trong sạch và cường tráng như nhau. Bỏ tất cả ham muốn như rượu, cờ bạc, hút sách, trai gái bất chính, không được dùng lời thô tục như chửi thề, nói trây… Không để lợi danh tiền tài làm hoen ố thanh danh, làm sai tôn chỉ. Sẵn sàng xả thân vì đời mà không cần sự bù trả. Sẵn sàng đứng về bên cô thế để bênh vực lẽ phải. Dùng võ đạo để cảm hóa kẻ hung bạo và sau đó dùng đức hạnh để thu phục nhân tâm. Không được đem võ đạo làm nghề nghiệp mưu sinh trong đời sống cá nhân, không háo danh, háo thắng; phải giữ trọn vẹn đức nhân hòa để hành thiện, bất đắc dĩ phải dùng võ thì chỉ dùng trong giới hạn; trọng đức độ để thu phục kẻ sai trái. Và không nên có hành động trừng phạt đối với kẻ sai trái.

Môn sinh muốn tham gia thi đấu phải được sự chấp nhận của người huấn luyện và thông qua trưởng môn đương thời hay huynh trưởng thừa kế. Cấm tự ý thi đấu hay thách thức nhau để thi đấu và cấm dùng võ trong những việc bất chính. Môn sinh phải hết sức phục tùng và chấp hành đúng tôn chỉ của môn phái, nội quy giáo điều. Môn sinh phải đoàn kết và thương yêu, giúp đỡ bạn bè như anh em ruột thịt. Người đi trước chỉ dẫn người đi sau, người biết dạy cho người chưa biết bằng tất cả lòng chân thật, không kiêu căng, tự phụ; phải hết sức khiêm nhường ở bất cứ vị trí hay trường hợp nào.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm