Đó là thông tin được BS CKI Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng đơn vị Hỏa trị liệu BV Châm cứu Trung ương, cho hay tại hội thảo khoa học “Điều trị bằng phương pháp hỏa trị liệu”, do Viện Y dược học dân tộc TP.HCM phối hợp với BV Châm cứu Trung ương và Hội Đông y TP.HCM tổ chức tuần qua.
Chỉ có ba cơ sở thực hiện
Theo BS Mai, BV Châm cứu Trung ương là nơi đầu tiên trên cả nước nghiên cứu ứng dụng hỏa trị liệu điều trị các bệnh đau lưng, đau vai gáy, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối, viêm mũi dị ứng.
Trên cơ sở này, Bộ Y tế đã ban hành quy trình kỹ thuật hỏa trị liệu vào tháng 2-2018 và cho phép BV Châm cứu Trung ương được đào tạo chuyển giao kỹ thuật này.
Hỏa trị liệu hay còn gọi là hỏa long cứu, một phương pháp của y học cổ truyền thông qua việc dùng lửa đốt trên cơ thể người có tác dụng cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết… Nguyên lý của hỏa trị liệu là dùng phương pháp tác động nhiệt lên da: cứu, đốt lửa, đắp, dán, xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt… có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, điều hòa khí huyết, ôn thông kinh lạc, tăng quá trình trao đổi chất tế bào.
Với ưu điểm đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp, hiệu quả cao nên hỏa trị liệu được các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar áp dụng từ xưa đến nay như một phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Tại Việt Nam, hỏa trị liệu cũng được các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông sử dụng.
Hiện trên cả nước chỉ có hai cơ sở được BV Châm cứu Trung ương chuyển giao kỹ thuật này là BV Y học cổ truyền TP Đà Nẵng và Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Người được thực hiện kỹ thuật này phải trải qua ba tháng học lý thuyết và thực hành trên học viên theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế ban hành. Họ phải là người trong ngành y gồm bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền, lương y, kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật và được đào tạo cấp chứng chỉ về quy trình kỹ thuật hỏa trị liệu. Do đó, người muốn được chữa bệnh bằng hỏa trị liệu hoặc học kỹ thuật này cần tìm hiểu kỹ và học tại nơi được Bộ Y tế cho phép chuyển giao kỹ thuật.
Hỏa trị liệu nếu thực hiện không đúng cách có thể gây ra hỏa kiếp, hỏa nghịch, bệnh nhân bốc hỏa, trụy tim mạch. Ảnh: HOÀNG LAN
Đào tạo cấp tốc chỉ… ba ngày!
Một trong các phương tiện bắt buộc phải có khi thực hiện hỏa trị liệu được Bộ Y tế quy định là một lọ thuốc xịt bỏng Panthenol và một bình chữa cháy dạng bọt hoặc khí CO2.
“Nhiều bệnh không sử dụng được hỏa trị liệu như người có thai, cao huyết áp, người có bệnh tim mạch... Nếu không học bài bản sẽ rất dễ để lại hậu quả đáng tiếc như gây tai biến mạch máu não, sảy thai cho người bệnh” - BS Mai khuyến cáo.
Là đơn vị được chuyển giao phương pháp hỏa trị liệu, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho hay Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vừa hoàn thành khóa học chuyển giao phương pháp với 53 học viên và đang xin phép thực hiện phương pháp này. Theo bà Lan, nhiều nơi đang nở rộ dịch vụ làm đẹp, chữa bệnh bằng hỏa trị liệu và nhận đào tạo học viên cho nhiều người chỉ trong ba ngày.
“Tôi không tưởng tượng nổi chỉ trong ba ngày thì thực hiện ra sao. Trong khi học viên ở viện chúng tôi học liên tục sáng chiều cũng mất hơn một tháng” - bà Lan cho hay.
Bà Lan lo ngại việc đào tạo cấp tốc tràn lan theo kinh nghiệm tiềm ẩn những nguy cơ cao như người thực hiện không đúng kỹ thuật chuyên môn có thể gây bỏng, cháy nổ. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu. Nguy hiểm hơn, hỏa trị liệu không đúng cách có thể gây ra hỏa kiếp, hỏa nghịch, bệnh nhân bốc hỏa, trụy tim mạch.
Chống chỉ định của hỏa trị liệu - Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân hư nhiệt, thực nhiệt. - Bệnh nhân có các dụng cụ kim loại ở vùng trị liệu, vết thương hở, bệnh lý ngoài da, bệnh nhân suy kiệt, thiếu máu nặng, quá no hoặc quá đói. - Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như suy thận, suy tim, tăng huyết áp, lao, ung thư, bệnh lý cần xử trí ngoại khoa, rối loạn tâm thần, phụ nữ có thai. - Thận trọng khi sử dụng vùng có nhiều gân, da sát xương, những vùng bị mất cảm giác, bệnh nhân có silicon trong cơ thể. |