Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện này tại cuộc thi này và việc đạo này cũng không phải chỉ ở văn chương mới có. Chuyện đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh đã có lúc khiến dư luận bùng lên phẫn nộ, bức xúc. Tại sao lại có chuyện đạo trắng trợn và thản nhiên đến vậy trong một lĩnh vực hoạt động sáng tạo rất đề cao, coi trọng cái riêng, cái độc đáo, mới lạ, cái chưa có trước và chưa ai làm trước?
Phải nói ngay đó là tại các tác giả đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh đã không có được cái phẩm chất nghệ sĩ đích thực. Phẩm chất nghệ sĩ bắt đầu từ tư cách của con người, từ nhân cách của một công dân, không thể cho phép mình dù là trong ý nghĩ chứ chưa nói thể hiện ra việc làm sự vay mượn ý tưởng của người khác một cách khuất tất, lấp liếm. Một từ dùng lại, một câu trích dẫn, một nét nhạc, một bố cục tranh nếu chịu ảnh hưởng của ai, được gợi ý từ đâu, đều phải được dẫn giải, nói rõ.
Phẩm chất nghệ sĩ buộc người sáng tạo phải trung thực tuyệt đối trước tác phẩm của mình. Hành động làm hàng giả, hàng nhái, “đạo” ý tưởng của người khác thực chất là một sự ăn cắp. Và khi đã ăn cắp thì không còn là nghệ thuật và nghệ sĩ nữa. Đó là sự báo động cho phẩm chất nghệ sĩ của một số người cầm bút, cầm cọ đang bị vấy bẩn, bị méo mó. Nói nặng hơn, những người sáng tác mà “dám” ngang nhiên thách thức giới nghề và công chúng bằng những tác phẩm “nhái”, “đạo” như thế là đã bị tha hóa về mặt con người và nghệ sĩ.
Nhưng một mặt khác, để xảy ra hiện tượng xấu này, để một số người sáng tạo giá trị tinh thần cam tâm làm hàng giả như vậy, còn là tại bởi môi trường nghệ thuật, rộng ra là môi trường văn hóa, của chúng ta hiện nay còn ít được trong sáng, trong sạch, trong lành. Mọi sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong môi trường này phải bị lên án mạnh mẽ và phải có chế tài xử lý nghiêm minh. Phải làm sao cho ai làm hàng giả, hàng nhái ở đây phải tự thấy xấu hổ, tự thấy ghê tởm mình, từ đó mới có thể tẩy rửa được cho mình và cho môi trường nghệ thuật đã bị ô nhiễm.
Tạo ra một môi trường sáng tạo lành mạnh và nghiêm túc, đó trước hết là bổn phận của mỗi người làm văn chương nghệ thuật, từ đó lan tỏa ra công chúng thưởng thức. Cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long là một hoạt động có ý nghĩa cho văn chương và đời sống tinh thần cả vùng Nam Bộ nhưng nếu lần nào tổ chức cũng có tai tiếng về việc “đạo thơ” thì ý nghĩa văn học và nhân văn nói chung đã bị sút giảm nghiêm trọng, gây tác hại không chỉ cho văn học mà cho cả đạo đức, văn hóa. Có cách gì những bài thơ, bức tranh, bản nhạc như thế, những tác phẩm đạo, nhái trong các bộ môn khác đều phải bị tiêu hủy, do chính tay người làm ra chúng hoặc do chính những người có trách nhiệm với nghệ thuật chân chính, đích thực. Bởi vì không cho treo tranh ở triển lãm thì nó vẫn còn, không cho phát hành sách giả, sách đạo thì nó vẫn còn và “để lâu cứt trâu hóa bùn”, cái giả thành cái thật và tồn tại ngang nhiên như cái thật. Đó mới là hiểm họa lâu dài cho cả đời sống tinh thần của xã hội.
Phạm Xuân Nguyên