Tối 2-9 vừa qua, đại nhạc hội âm nhạc EDM được tổ chức miễn phí ở khu vực Bãi sau TP Vũng Tàu với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng đã thu hút khoảng 50.000 khán giả đến thưởng thức.
Sự kiện văn hóa này nhanh chóng biến thành mớ hỗn loạn bởi cách hành xử của hàng trăm bạn trẻ.
Hào hứng vượt rào, giẫm nát ô tô
Từ rất sớm dòng người đã lũ lượt đổ về sân khấu trung tâm. Để đảm bảo an ninh, ban tổ chức đã bố trí hàng rào cao gần 1 m xung quanh khu vực, người xem phải đứng ngoài hàng rào. Thế nhưng khi đêm nhạc chuẩn bị khai màn, quang cảnh như “vỡ trận” khi lực lượng chức năng bất lực trước hàng loạt bạn trẻ từ thanh niên đến thiếu nữ, từ quần dài đến váy ngắn không ngần ngại lũ lượt trèo qua hàng rào với vẻ mặt hớn hở, thích thú. Số khán giả còn đứng ngoài rào nhìn quanh ngạc nhiên, lúng túng.
Đây chưa phải là hành động đáng chê trách duy nhất của khán giả trẻ trong đêm nhạc này.
Để có tầm nhìn tốt hơn, một nhóm thanh niên nam nữ, có bạn còn mặc váy ren dài duyên dáng đã trèo lên một chiếc ô tô Daewoo đậu gần đó. Không cần biết xe của ai, gần 20 người đứng kín nắp capô, mui xe… nhún nhảy, la hét theo điệu nhạc sôi động. Chiếc ô tô đã bị sập khung xe, vòm bánh móp méo sụt hẳn xuống, kính xe bể nát, mui xe móp méo thảm hại.
Toàn bộ hành động trên được ghi lại đầy đủ, bằng cả clip lẫn ảnh chụp mặt tiền, mặt hậu nhóm thanh niên và nhanh chóng chia sẻ rộng rãi trên nhiều diễn đàn.
Chiếc xe hư hại nặng sau khi bị nhiều thanh niên giẫm đạp lên. Ảnh: Internet
Có thật ý thức bằng 0?
Theo tìm hiểu, chiếc ô tô bị giẫm đạp không thương tiếc có biển số TP.HCM, vừa được đăng kiểm hồi tháng 5-2017. Thiệt hại cho chủ xe ước tính lên đến vài chục triệu đồng.
Vì sao những người trẻ tuổi, một thế hệ tiên tiến lại có kiểu hành xử không giống ai như vậy? Theo ThS tâm lý Võ Thị Minh Huệ, kiểu hành xử trên dễ dàng xảy ra khi một nhóm đông có cơ hội tụ tập lại. Lúc đó sự cộng hưởng cảm xúc dâng trào, hội chứng đám đông khiến cá nhân mất kiểm soát hành vi.
Cảm xúc mạnh mẽ ấy không chỉ vì lòng ngưỡng mộ thần tượng mà thiên về sự bốc đồng, hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân nhiều hơn. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, không biết về trách nhiệm của bản thân nếu gây ra sự cố cũng là một nguyên nhân. Sự cộng hưởng cảm xúc đối với những hành động đẹp, nhân ái sẽ lan tỏa mạnh tác dụng tích cực trong cộng đồng; ngược lại, nếu là hành vi xấu thì mức độ tai hại cũng sẽ nhân lên nhiều lần, là mối nguy của xã hội.
Còn thầy Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng khi xã hội phát triển, cái tôi của mỗi người bộc lộ rõ hơn. Trong điều kiện đó, các bạn trẻ càng ít rèn luyện, ít tham gia các hoạt động thiện nguyện, ít cống hiến, ít cho đi thì cái tôi càng trỗi dậy, dẫn đến ý muốn chỉ thỏa mãn mình kiểu tức thời. Những người càng thỏa mãn kiểu tức thời càng dễ gây ra những hành động vô trách nhiệm, gây tác hại như việc làm trên.
Các bạn trẻ này hoàn toàn ý thức được vì sao họ làm như vậy nhưng đó là ý thức về cái lợi của cá nhân, thỏa mãn mục đích của bản thân. “Cụm từ vô ý thức chỉ là cách nói ngụy biện cho sự thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội” - ông khẳng định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết trước giờ chương trình khai màn, ban tổ chức đã cho đọc loa thông báo nhiều lần, yêu cầu chủ chiếc xe Daewoo trên dời xe ra khỏi khu vực gần sân khấu để tạo điều kiện cho đêm nhạc diễn ra. Tuy nhiên, chủ xe không có mặt. Sau đêm diễn, chủ xe (nhân viên trong đoàn tổ chức sự kiện) đã đến gặp cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, do lượng khán giả quá đông, chưa thể xác định chính xác những người trực tiếp khiến chiếc xe hư hỏng nên cơ quan chức năng chưa thể xử lý. KHÁNH LY ghi |