“Nguyên nhân là vì toàn bộ nước lũ ở khu vực này đổ ra biển phía Nhật Bản, không đổ ra Biển Đông” - ông Hiệp nói.
Thông tin thêm về đập Tam Hiệp đang có nguy cơ vỡ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đập Tam Hiệp thuộc tỉnh Hồ Bắc của TQ, cách Vũ Hán khoảng 70 km nên cũng không ảnh hưởng đến nước ta.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng nếu xảy ra mưa lũ ở Vân Nam thì có thể ảnh hưởng tới Việt Nam. Để đảm bảo an toàn các hồ chứa ở phía Bắc khi bước vào mùa mưa lũ, hiện các hồ thủy điện lớn của Việt Nam có dung tích phòng lũ nên cơ bản lũ theo tần suất thiết kế thì có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, với những hồ thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ, nếu điều hành xả nước trước lũ không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ lũ chồng lũ.
Còn theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, mưa lũ ở TQ còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống sông Hồng từ phía Vân Nam xuống.
Ông Hồng thông tin hiện nay sông Hồng chưa làm đập, chưa có hồ chứa để trữ nước. Nếu mưa lũ ở TQ vượt mức sẽ đổ về sông Hồng, khi đó mực nước sông Hồng sẽ lên cao. Việc quan trọng nhất hiện nay là phải theo dõi và kiểm tra tình trạng các đê sông Hồng. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần phải theo dõi sát mực nước sông Hồng ở phía Lào Cai, Phú Thọ, sau đó tính toán, thông báo cho phía Hà Nội để có giải pháp xử lý nếu mực nước lên cao.
Nhận định tình hình khí tượng thủy văn khu vực Bắc bộ sáu tháng cuối năm 2020, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khu vực Bắc bộ trong mùa mưa bão tập trung từ tháng 8 đến giữa tháng 10. Tổng lượng mưa tháng có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn.
Theo đó, với diễn biến thời tiết bất thường và tình hình mưa lũ đang xảy ra ở Trung Quốc cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm nay, nguy cơ xuất hiện lũ lớn luôn tiềm ẩn và cần được theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thường xuyên.