Đất nền Lâm Đồng sụt giảm giao dịch hơn 70%

(PLO)- Quý I-2023, tỉnh Lâm Đồng chỉ có 3.246 giao dịch đất nền thành công trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 12.467 giao dịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trong quý I-2023, lượng giao dịch bất động sản (BĐS) thông qua công chứng giảm gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường ế ẩm, môi giới không có doanh thu

Còn nhớ khoảng thời gian từ năm 2020 đến tháng 4-2022 là lúc thị trường BĐS ở tỉnh Lâm Đồng nóng hơn bao giờ hết.

Thời điểm đó, tỉnh Lâm Đồng đón hàng ngàn nhà đầu tư lớn nhỏ từ khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… kéo về săn đất. Cũng từ làn sóng đó, đất Lâm Đồng, đặc biệt là đất nông nghiệp có diện tích lớn thích hợp với làm nhà vườn, trang trại nghỉ dưỡng tăng giá đột biến.

Đất nền Lâm Đồng từng là phân khúc được săn đón rất mạnh trong giai đoạn 2020-2022. Ảnh: VÕ TÙNG

Đất nền Lâm Đồng từng là phân khúc được săn đón rất mạnh trong giai đoạn 2020-2022.
Ảnh: VÕ TÙNG

Anh Ngô Văn Kế, một người làm môi giới BĐS ở tỉnh Lâm Đồng, cho biết lúc ấy có khi chỉ cần chụp ảnh sổ hồng, gọi video để xem đất là chốt. Lý do đất Lâm Đồng hấp dẫn như vậy là vì có lợi thế của trung tâm du lịch của cả nước với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, phong cảnh đẹp. Ngoài ra, thị trường được hỗ trợ mạnh nhờ tin tức triển khai các dự án cao tốc, các công ty lớn nên Lâm Đồng xin lập các dự án về du lịch, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại rất nhiều.

Tuy nhiên, từ tháng 4-2022, khi các ngân hàng siết chặt cho vay thì thị trường BĐS tỉnh Lâm Đồng cũng bắt đầu đứng hình.

Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho thấy quý I-2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 giao dịch đất nền, đến quý IV-2022 giảm mạnh chỉ còn 6.633 giao dịch và sang quý I-2023, cả tỉnh chỉ còn 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại hai huyện Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Bảo Lộc.

Theo ông Phạm Văn Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Minh - một doanh nghiệp kinh doanh và môi giới BĐS ở tỉnh Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành khác, tình hình giao dịch, kinh doanh BĐS thời gian gần đây rất khó khăn.

“Thị trường ế ẩm khiến những doanh nghiệp chuyên môi giới gần như không có doanh thu” - ông Long nói thêm.

Nhà đầu tư đứng ngồi không yên

Nhiều nhà đầu tư đã trót ôm nhiều đất ở tỉnh Lâm Đồng với hy vọng thu lời lớn giờ đây đều như ngồi trên đống lửa.

Báo cáo tổng kết quý I-2023 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng cho thấy số thu thuế, phí từ BĐS đều sụt giảm mạnh trong các tháng gần đây. Trong đó, thuế thu từ nhà đất và lệ phí trước bạ chỉ đạt lần lượt 69% và 57% so với quý I-2022. Nguyên nhân là số hồ sơ giao dịch chuyển nhượng BĐS giảm chỉ còn một nửa.

Anh Nguyễn Hùng Dũng (ngụ huyện Bảo Lâm) cho biết nếu giai đoạn 2021-2022 đất trên đường DT 725 có giá 460-710 triệu đồng/mét ngang thì nay giá giảm hơn 30% vẫn không có khách mua.

Trong quý cũng chỉ ghi nhận 100 giao dịch nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu và không có giao dịch nhà ở riêng lẻ tại các dự án đang phát triển. Tương tự, lượng giao dịch đất vườn cũng giảm tới 80%-90% so với trước và giá bán cũng giảm 30%-40% mà vẫn khó ra hàng. Thực tế, trên địa bàn gần đây vắng hẳn bóng dáng khách đi xem đất.

Trước tình hình này, ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết giao dịch BĐS ở tỉnh Lâm Đồng giảm, gây ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách.

Hồi đầu tháng 4, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành và các địa phương nghiên cứu các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hiện tỉnh đang nỗ lực tổ chức các đoàn công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Cảnh báo nhà đầu tư ăn theo ý tưởng quy hoạch

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 21 khu vực đã được chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu và tài trợ ý tưởng quy hoạch.

Trong đó, chín phương án đã được UBND tỉnh chấp thuận và kết thúc việc nghiên cứu, khảo sát, lập ý tưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây chỉ dừng lại ở ý tưởng quy hoạch và chỉ được xem là tài liệu để UBND tỉnh tham khảo, nghiên cứu trong quá trình triển khai lập các quy hoạch có liên quan trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án.

Để những ý tưởng quy hoạch đi vào thực tế còn cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là những chủ trương và một loạt thủ tục đi kèm. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo, không đu theo thông tin quy hoạch, ồ ạt đầu tư đón sóng theo những ý tưởng quy hoạch vẫn còn nằm trên giấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm