Tại hội thảo "Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 18-7 tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết sau một thời gian tăng nóng, thị trường bất động sản đã chững lại. Tại những điểm nóng như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, giá bất động sản đã giảm. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM giao dịch nhà, đất cũng đã hãm phanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra tính chu kỳ của thị trường bất động sản gắn với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Với bốn thập niên trôi qua, cứ 10 năm một lần nền kinh tế lại trải qua một cuộc khủng hoảng, đó là vào năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 là đúng chu kỳ 10 năm đã diễn ra suốt năm thập niên qua. Các nhà đầu tư, người mua nhà đang căng mình chờ đợi nghe ngóng và cảnh giác trước thời điểm bản lề của chu kỳ khủng hoảng.
Thị trường bất động sản "tăng nhiệt" trong thời điểm đầu năm 2018, theo các chuyên gia đã được kiểm soát và có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hai phân khúc đã có hiện tượng sốt là đất nền và condotel, trong đó giá đất nền còn “nóng” hơn trong năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay cơn sốt ảo đất nền về cơ bản được kiểm soát, kể cả ở các đặc khu hay khu vùng ven của TP.HCM. Thế nhưng giá đất vẫn được neo giữ ở mức cao vì nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có người mua lại. Tuy nhiên, việc này sẽ không thể kéo dài vì sức chịu đựng có hạn do nhiều người mua sử dụng vốn vay.
Theo ông Châu, "bong đóng" bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ một số điều kiện. Thứ nhất là kinh tế phát triển nóng nhưng kinh tế thế giới hiện nay không nóng và kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Thứ hai là có sự buông lỏng về chính sách tín dụng. Thế nhưng hiện nay không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Thứ ba là lệch pha cung cầu là có nhưng chưa đến mức độ phá vỡ sự cân bằng trên thị trường bất động sản. Thứ tư, có sự gia tăng của nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ, thậm chí 80%-90% là những nhà đầu tư mua đi bán lại ở phân khúc đất nền và condotel nhưng cũng chưa đủ để tạo nên "bong bóng" thị trường bất động sản.
“Vì vậy không thể có "bong bóng" xảy ra. Bản thân Nhà nước, nhà băng, người tiêu dùng đều thông minh hơn. Vì vậy không thể có "bong bóng" bất động sản trong năm 2018. Và với sự điều hành của Chính phủ hiện nay cũng chưa có "bong bóng" bất động sản trong năm 2019” - ông Châu nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM, cũng cho rằng nguồn cung nhà ở nói chung trong nửa đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thị trường vẫn tương đối ổn định. Việc sốt đất nền diễn ra ở các quận, huyện ven như quận 9, Thủ Đức... chủ yếu do hạ tầng giao thông phát triển mạnh. Các dự án được dần hoàn thiện như tuyến metro, cao tốc Long Thành-Dầu Giây, sân bay Long Thành, cầu Cát Lái, các tuyến đường vành đai hay mở rộng quốc lộ 13...
“Giá trị bất động sản sẽ tăng theo thời gian, theo tiến độ dự án và hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phù hợp nhưng mức độ tăng vừa phải ở 5% trở lại. Còn tăng quá mạnh thì kêu sốt ảo là đúng. Chính vì vậy rất khó xảy ra "bong bóng" bất động sản” - ông Sơn chia sẻ.
Khó có "bong bóng" bất động sản xảy ra trong nửa cuối năm 2018 và cả năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm trên địa bàn TP đạt 7,5% trong khi cả nước tăng 7,8%. Trong đó, cơ cấu tín dụng trung dài hạn chiếm 53%, còn lại là cho vay ngắn hạn. Dư nợ cho vay bất động của các ngân hàng trên địa bàn chiếm 10% tổng tín dụng trong khi cả nước, tỉ lệ này chiếm 7%-8%. Đây là tỉ lệ nằm trong ngưỡng an toàn theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm tăng trưởng tín dụng nhưng cơ bản vẫn hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Việc khuyến nghị các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào bất động sản không những giúp ngân hàng phát triển bền vững mà cả thị trường bất động sản cũng ổn định.