Hàng loạt đại gia ‘thâu tóm’ thị trường bất động sản Long An

Tập đoàn Đất Xanh vừa chính thức mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực lân cận TP.HCM với việc thành lập CTCP Đất Xanh Long An có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, tại đường Tên Lửa, Q. Bình Tân, TP.HCM.

Đất Xanh Long An được xem là mảnh ghép quan trọng góp phần hoàn thiện chuỗi hệ thống phân phối của Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) trải dài từ Bắc vào Nam.

Lãnh đạo DXG cho rằng đây chính là giai đoạn thích hợp để DXG hoàn thiện bức tranh hệ thống mạng lưới phân phối tại thị trường Việt Nam, Đất Xanh Long An được đưa vào hoạt động, hướng đến mục tiêu đưa Đất Xanh Long An trở thành công ty phân phối bất động sản hàng đầu tại các tỉnh, thành khu vực lân cận TP.HCM.

Được biết, CTCP Đất Xanh Long An sẽ hoạt động trong các lĩnh vực chính như: Đầu tư và phát triển các dự án nhà ở, phố chợ thương mại, các khu dân cư mới, các hoạt động liên kết đầu tư khác. Ngoài thị trường trọng điểm tại Long An, công ty sẽ phát triển thêm hoạt động ở thị trường Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi và mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.

Hiện tại, thị trường bất động sản Long An đang chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung của các dự án mới với quy mô lớn.

Được mệnh danh là vùng kinh tế trọng điểm, cầu nối kinh tế khu vực phía Nam, thị trường địa ốc Long An những năm gần đây đang được đầu tư đồng bộ và trở thành mục tiêu để các nhà đầu tư săn đón.

Mới đây, Công ty Cổ phần Him Lam đã báo cáo đề xuất thành lập khu kinh tế mở trên địa bàn 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Khu kinh tế mở rộng 32.300 ha sẽ gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế, ở giữa lõi là khu đô thị.

Ngoài raHim Lam còn đề xuất điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong KCN Đức Hòa III.

Cùng với Vingroup và Him Lam, Sacomreal (tên mới là TTC Land), Tập đoàn FLC, liên danh Phúc Lộc – Cienco 8, các nhà đầu tư bất động sản từ Indonesia… cũng đổ bộ vào Long An đề xuất đầu tư dự án bất động sản.

Những chuyển động mới đây trên thị trên thị trường bất động sản Long An tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào tỉnh miền Tây nằm sát TP.HCM. Các công ty bất động sản trên đều chưa từng đầu tư vào Long An, ngoại trừ Vingroup với dự án Dự án Vincom Shophouse Tân An.

Chuyên gia bất động sản, ông Phan Công Chánh xác nhận, đúng là hiện tượng đại gia địa ốc Sài Gòn đua nhau mở rộng địa bàn ra các tỉnh thành khác để phát triển dự án mới đang ngày càng rầm rộ. Có khoảng 80% giao dịch mua bán đất tại Long An thời gian qua là để đầu tư. Điều này cũng cho thấy tiềm năng vì lợi thế sẵn có của khu vực.

Ông Chánh nhận định thêm, việc doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn chủ động đầu tư vào các tỉnh lân cận còn cho thấy quy mô của thị trường bất động sản TP.HCM đang ngày càng mở rộng và phẳng hơn so với trước đây. Nhà đầu tư cũng có tư duy mới mẻ hơn sau khi tận mắt chứng kiến những cú hích hạ tầng liên tục bùng nổ tại TP.HCM kết nối về nhiều tỉnh, thành lân cận.

Long An thu hút các chủ đầu tư bất động sản bởi vị trí địa lý của tỉnh cùng các điều kiện để trở thành một “Bình Dương mới”. Theo đề án quy hoạch vùng đến năm 2020, đây là khu vực kết nối các vùng kinh tế động lực của quốc gia (TP.HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long). Ba huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của tỉnh Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm