Xét về mặt địa lý, Long An gần trung tâm TP.HCM hơn Đồng Nai và Bình Dương, thế nhưng khi thị trường bất động sản (BĐS) Bình Dương và Đồng Nai lại tạo nên cơn “sốt” trong nhiều năm qua, trong khi BĐS Long An vẫn yên ắng. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, thị trường địa ốc Long An liên tục đón nhận những dự án BĐS mới và quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi.
Thu hút nhiều “đại gia” đầu tư
Ở huyện Cần Giuộc, Công ty T&T Group cũng công bố ra mắt dự án T&T Long Hậu rộng 20,9 ha với gần 1.000 lô đất nền, 90-200 m², có mặt tiền từ 4,5-10 m. Cát Tường Group cũng đã thành công khi đầu tư dự án Cát Tường Phú Sinh tại huyện Đức Hòa với quy mô rộng 130 ha, 60% diện tích là cây xanh, công viên sinh thái…
Không chỉ ở phân khúc nhà ở, phân khúc BĐS công nghiệp cũng xuất hiện những thông tin về các dự án lớn đổ bộ vốn vào Long An. Điểm lợi thế để doanh nghiệp đổ bộ vào đó là hiện quỹ đất dành cho phát triển đô thị-công nghiệp của tỉnh khá lớn, với hơn 13.500 ha đến năm 2020.
Phối cảnh dự án khu dân cư Trung tâm hành chính Thủ Thừa - Thủ Thừa Phú Thanh do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An làm chủ đầu tư.
Với quỹ đất này, năm 2016, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức. Còn tại TP Tân An, mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đang đầu tư dự án Vincom Shophouse Tân An bao gồm Trung tâm thương mại Vincom với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 316 tỉ đồng…
BĐS Long An cũng đang dịch chuyển sang Thủ Thừa, một huyện cách TP.HCM chỉ 30 phút di chuyển bằng xe máy qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt… Nắm bắt lợi thế này, mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An đã hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Kinh doanh BĐS Cát Tường đầu tư dự án khu dân cư Trung tâm hành chính Thủ Thừa - Thủ Thừa Phú Thanh với tổng diện tích đất quy hoạch rộng tới 226.102 ha. Các chuyên gia BĐS nhận định với cơ sở hạ tầng hoàn thiện cùng sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền và nhiều tiềm năng chưa được khai thác, Thủ Thừa sẽ trở thành tâm điểm mới của thị trường BĐS Long An trong thời gian tới.
Mạnh nhờ kết nối vùng
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết thị trường BĐS Long An phát triển mạnh đến từ việc tỉnh đang thực hiện kết nối vùng, với nhiệm vụ chính là đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nam bộ. Lợi thế lớn nhất của Long An có được là nằm giữa TP.HCM với vùng Tây Nam bộ, thông qua trục đường giao thông quốc lộ 1A, đưa Long An thành cầu nối về giao thông giữa miền Tây Nam bộ với TP.HCM.
Năm 2010, TP.HCM và Long An đã có bản ký kết kết nghĩa giữa hai địa phương. Theo ông Cần, với việc kết nghĩa này, hai địa phương bắt đầu bằng việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối như mở rộng quốc lộ 1A, xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các huyện của tỉnh Long An với các quận, huyện của TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng sự thay đổi mạnh, hoàn thiện tốt hạ tầng giao thông cùng nhiều tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức-Long Thành. Kèm theo đó, với nhiều chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư thuận lợi Long An đã thu hút đầu tư nhiều dự án mới tại các khu đô thị lớn đã được hình thành với các chủ đầu tư có tên tuổi lớn như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group…
Ông Châu cho rằng trong thời gian tới các huyện của Long An như Thủ Thừa, Cần Giuộc, Đức Hòa… sẽ là những đô thị vệ tinh của TP.HCM. Giao thông thuận tiện, tiện ích dịch vụ phát triển, giá cả hợp lý thì BĐS Long An sẽ thu hút nhà đầu tư lẫn khách mua để sinh sống.