Theo đó, công trình gồm các hạng mục, tháp radar cao 24,5 m, nhà điều hành, trạm nguồn, thiết bị radar thứ cấp và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích 1.680 m2.
Trạm radar thứ cấp Cà Mau thứ hai được đầu tư lắp đặt thiết bị radar thứ cấp Mode S thuộc thế hệ mới, có nhiều tính năng ưu việt, khắc phục được những hạn chế của radar thứ cấp truyền thống trước đây; nâng cao chất lượng giám sát, hỗ trợ tối đa cho kiểm soát viên không lưu khi điều hành ở những vùng có mật độ bay cao.
Mô hình trạm radar thứ cấp Cà Mau thứ hai.
Radar Mode S là thiết bị giám sát đã được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) lựa chọn trong tiến trình thực hiện Chiến lược giám sát cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2013.
Theo thiết kế, trạm radar thứ cấp Cà Mau thứ hai có tầm phủ giám sát vùng trời từ độ cao 500 m đến hơn 10.000 m, chiều ngang trong phạm vi bán kính tới 250 hải lý, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về các hoạt động bay cho hệ thống quản lý, điều hành bay và các dữ liệu quan trọng cho hệ thống cảnh giới, quản lý vùng trời của Quân chủng Phòng không-Không quân.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, trạm radar Cà Mau có nhiệm vụ giám sát 24/24 giờ ở khu vực phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, nơi tiếp giáp với các vùng thông báo bay Singapore, Malaysia, Campuchia, đặc biệt là giám sát các đường bay trên vùng phía Nam biển Đông, đây là các đường bay có mật độ bay cao trên thế giới.
Đầu tư trạm radar thứ cấp Cà Mau thứ hai là một nhiệm vụ quan trọng của tổng công ty trong quá trình thực hiện đề án “Nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay” đã được bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).