Các DN bị thiếu hụt nguyên liệu chế biến điều nhân gây ảnh hưởng đến các hợp đồng xuất khẩu đã ký.
Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2015, nhiều DN Việt Nam cảnh báo liên tiếp bị các nhà xuất khẩu điều thô châu Phi hủy ngang các hợp đồng đã ký.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho hay chỉ trong vòng một tuần DN đã bị phía các đối tác Bờ Biển Ngà hủy hợp đồng nhập khẩu gần 4.000 tấn điều thô. Họ còn phản hồi là chỉ giao hàng nếu phía Việt Nam chịu mua hàng chất lượng thấp hơn.
Theo ông Huyên, nguyên nhân là nhiều DN thương mại của Singapore, Ấn Độ và cả Việt Nam (chủ yếu DN FDI) nhảy vào thu mua nguyên liệu với giá cao, gom hàng với số lượng lớn để đầu cơ vì họ nhận định vụ điều của thế giới năm nay sẽ mất mùa, sản lượng giảm. Các nhà đầu cơ đã tạo ra thị trường nguyên liệu nóng, tăng giá ảo. Ngoài ra, cũng do chính tâm lý của các DN Việt Nam cứ nghĩ như mọi năm, nhập khẩu hạt điều nguyên liệu châu Phi chế biến xuất khẩu mới có lợi nhuận cao, còn mua trong nước lời thấp.
Các DN đổ xô vào châu Phi mua nguyên liệu dẫn đến nhu cầu nhiều, buộc nhà xuất khẩu châu Phi hủy hợp đồng đã ký vì nguồn cung ít.
Tuy nhiên, ông Huyên lẫn lãnh đạo Vinacas đều cảnh báo điều nguyên liệu châu Phi đang bán với mức giá cao, khoảng 1.100-1.300 USD/tấn điều thô, nếu nhập về chế biến xuất khẩu, DN Việt sẽ khó có lợi nhuận. Muốn không bị hủy hợp đồng, DN nên quy định với phía nhà xuất khẩu mức ký quỹ cao (30%-40% giá trị hợp đồng).
Theo Vinacas, dự kiến trong năm nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 50% sản lượng điều thô châu Phi để làm nguyên liệu xuất khẩu do diện tích điều trong nước không thể mở rộng thêm.