Ảnh: Tiền Phong |
Chuyện địa danh
Nhiều địa danh trên đất Bình Trị Thiên ngày nay còn mang dấu ấn Chăm, dù đã gần nghìn năm trở về với Đại Việt. Năm 1609, Lý Thường Kiệt theo vua Lý Nam chinh thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (là vùng đất từ Nam đèo Ngang – Quảng Bình vào đến Bắc sông Hiếu – Quảng Trị).
Sáu năm sau, 1075 lại vào vẽ bản đồ ba châu đổi tên Bố Chinh thành Bố Chính, Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh. Vẫn một chữ Bố của Chăm nay còn lưu lại trong “Bố Trạch”, chữ Linh còn trong “Vĩnh Linh, Gio Linh”. Sông Hiền Lương bây giờ nguyên gốc là Minh Lương, Chữ Minh liệu có phải phiên ra từ châu Minh Linh do Lý Thường Kiệt đặt từ gần nghìn năm trước?... Sông chảy qua Minh Linh thì gọi Minh Lương, đến thời Minh Mạng, phạm húy mới đổi thành Hiền Lương. Sông còn tên Bến Hải, xuất phát từ bến đò Ông Hai, gọi lâu gọi tắt trẹo thành Bến Hải.
Vùng đất này còn nhiều địa danh mang dấu ấn Chăm như chợ Thùi, bến đò Chền. Trong từ điển tiếng Việt không có chữ Thùi, chữ Chền. Chữ Thùi được bắt gặp trong Từ điển Việt – Chàm – Bồ, nghĩa tiếng Chăm là cái quán lợp lá. Lên thượng nguồn Kiến Giang chỗ ngã ba sông bến đò qua chợ Tréo có tên bến Chền, chắc biến nghĩa từ tên gốc là bến Chàm. “Tôi về Lệ Thủy ngày mưa/Bến Chền in bóng đò trưa nhuốm màu” (Lê Đình Ty). “Hồn tôi đã hóa con đò ấy/Qua lại bến Chền đón đưa em” (Ngô Minh).
Cũng thượng nguồn Kiến Giang có cái vùng đất nay dân cư đã sầm uất nhưng vẫn mang tên lòi Đẻ. Hỏi ra mới biết, chừng trăm năm trước nơi đây còn rậm rịt lùm còi, có con cọp cái làm tổ đẻ đàn con nên dân gian gọi luôn tên Lòi cọp đẻ. Sau gọn lại Lòi Đẻ. Ngay trên đỉnh Hoàng Sơn có hai làng mang tên rất lạ, chưa ai tra cứu được gốc tự thuộc hệ ngôn ngữ nào, là làng Bu lu – Kịnh và Nớơc. Làng trong rừng nhưng xã lại mang tên Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa), chả hợp tí nào.
Chuyện tên người
Một lần nghe trên truyền hình có cái tên người ở thành phố Hồ Chí Minh là Lê Hoàng Hiếu Nghĩa đệ Nhất Thương Tâm Nhân (!). Ở nước Scotland có người tên gồm 197 ký tự (La tinh) phải gọi tắt là Bina bai. Trên tạp chí Hồng Lĩnh đọc thấy cái tên khá nhiều âm tiết: Lê Thị Lan Đài Hiếu Nghĩa. Tên như vậy khi ghi danh sách mục họ và tên chắc phải xuống hai ba dòng.
Một gia đình nọ sinh hạ bảy người con đặt tên thứ tự là: Giàu, Có, Nhiều, Tiền, Vàng, Ngọc, Bích. Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng có bốn anh em tên là: Tăng, Pháp, Bửu, Bối. Có lẽ gia đình hướng Phật. Trên báo Quân đội Nhân dân một thời hay bắt gặp cái tên Bùi Như Lạc. Tên Lạc không mới, họ Bùi cũng bình thường, rắc rối ở chữ Như. Sách tiểu học có bài học về những thành ngữ “Bùi như lạc, đặc như bí, đỏ như gấc, trắng như bông”.
Bây giờ, kể từ năm 2005, nghị định của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch quy định trong vòng sáu mươi ngày phải khai sinh cho con, để muộn sẽ bị phạt. Thiết nghĩ, theo truyền thống, khi đặt tên cho trẻ cũng nên tránh tên húy của ông bà nội ngoại, sợ réo gọi mắng mỏ hàng ngày không hay. Nhưng nếu kiêng hết cả họ hàng nội ngoại xưa xắc thì “Qũy tên” sẽ không đủ, phải đặt qua tên xấu. Thế nhưng cũng có trường hợp đặt tên đẹp quá, hoành tráng quá, khiến người lạ, mới “Văn kỳ thanh” hình dung ra nào hoa khôi, tráng sĩ, tới khi “Kiến kỳ hình” mới thấy cũng chỉ trên trung bình mà đâm ra thất vọng oan…
Chuyện nói tắt, viết tắt
Dạo còn ở Huế, biết có một đơn vị có cái tên rất dài, mười ba âm tiết lận, vào văn bản không biết phải viết hoa từ nào cho phải. Đang đạp xe thong thả trên đường, gặp người bạn đạp xe ngược chiều, tôi hỏi: - Đâu về đấy? Người bạn gọi to bảo tôi dừng xe, ra hiệu lại gần. Tưởng có gì nghiêm trọng, thế mà anh ta chỉ nói: - Mình đi trên Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Long Thọ về, rồi thôi. Tôi hỏi: - Gì nữa không? – Hết! – Thế mà cũng kêu người ta đừng lại! – Ai bảo ông hỏi đi đâu về, tôi phải dừng ông lại mới trả lời đủ… - Lần sau có hỏi đi đâu thì trả lời Vôi Long Thọ cho gọn. Bởi vậy mà, mãi, cái liên hiệp này trong giao tiếp đời thường vẫn “gánh” một chữ Vôi rất thủ công…
Cũng theo xu thế rút gọn những chữ dài dòng mà một thời người miền Trung quen gọi Rip, Bót là viết tắt của hai từ tiếng Pháp với khá nhiều âm tiết để chỉ thuốc và bàn chải đánh răng. Bà con ta đến hiệu thuốc thì cứ gọi Peeni (xêlin), Step (toomixin), Fata (xetamôn) khỏe người mà dược tá vẫn thừa sức biết.
Nói gọn viết gọn thì không sao nhưng viết tắt nhiều khi cũng gây không ít nhiêu khê. Một lần tôi nhận được cái giấy của ngành nông nghiệp mời đến nhà nọ phòng kia họp bàn về L.M.L.M (lờ mờ lờ mờ). Chịu không thể luận ra được nội dung gì. Và, cuối cùng đến họp mới vỡ lẽ: Thì ra là họp về dịch Lở Mồm Long Móng ở trâu bò. Lại nhớ, có chuyện kể, Bác Hồ của chúng ta một lần sang thăm Nhà máy cơ khí Gia Lâm thấy trước cổng bảng hiệu viết chữ in không dấu, Bác đọc vui: Nhà mày có khỉ già lắm…
Chuyện danh xưng còn dài, kể mãi không hết. Tạm biệt ở đây và xin hẹn gặp lại vào một dịp khác…
(Theo Nguyễn Thế Tường/ Văn Nghệ)