Một vài trường hợp có thể nghĩ đến rối loạn chức năng vòi nhĩ... Vì vậy, nhiều bệnh nhân thường được điều trị lặp đi lặp lại với kháng sinh, kháng viêm, kháng histamin, chống nghẹt mũi và các thuốc xịt mũi.
Ảnh: i.ytimg.com
Trong một tỉ lệ nhất định, các thuốc này rõ ràng không giúp gì được cho triệu chứng đau hay khó chịu trong tai của họ cả. Ngay cả việc đặt ống thông tai giữa qua màng nhĩ cũng không giúp được gì. Khi tuyệt vọng, nhiều bệnh nhân đành phải sử dụng các loại thuốc theo dân gian.
Đau vì... cái điện thoại
Tại sao các thuốc điều trị nhằm vào tai không hiệu quả? Phần lớn chúng ta không nhận ra triệu chứng đau tai có thể do những bệnh lý hoàn toàn không liên quan đến tai. Hãy nhớ lại khi còn nhỏ, lúc mọc răng hẳn nhiều người trong chúng ta từng cảm thấy đau nhói trong tai mặc dù hai tai hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân đau tai trong trường hợp này là do dây thần kinh số 5 truyền cảm giác đau liên quan xương hàm đến tai chúng ta. Và ở thời đại công nghệ không dây phát triển này, đôi khi cảm giác đau hoặc khó chịu trong tai là do một sự khởi phát không sinh học, như sử dụng điện thoại di động.
Tối thiểu 40% bệnh nhân đến khám tai mũi họng với triệu chứng đau tai gây ra do những bệnh lý không phải do tai. Làm thế nào mà một bệnh lý ở vùng đầu cổ không phải do tai lại có thể gây ra đau tai?
Lý do chính là vì cảm giác đau được chuyển đến tai bởi một số dây thần kinh đi vào tai từ những vùng có bệnh lý ở đầu cổ. Có cả một danh sách các dây thần kinh và những bệnh lý thường gặp nhất gây đau/khó chịu ở tai (xem box).
Có thể nhận thấy rằng một vùng rõ ràng nơi mà đau tai được cảm nhận có thể hướng cho chúng ta tập trung vào một bệnh lý nhất định của đầu cổ. Những nguyên nhân thường gặp nhất gây đau tai không do tai là:
- Rối loạn khớp thái dương hàm
- Viêm amiđan
- Rối loạn chức năng vòi
- Những vấn đề họng (nhiễm trùng hoặc u)
- Bệnh lý cột sống cổ.
Hãy tự rà soát
Vì vậy, làm sao có thể tìm ra nguyên nhân gây đau tai nếu bệnh nhân đến khám mà không tìm thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở tai? Điều cốt lõi cần nhớ là không phải tất cả cơn đau của tai đều gây ra bởi tai và nhiều bệnh lý khác ở vùng đầu cổ có thể gây đau tai và đôi khi đây là than phiền duy nhất của bệnh nhân.
Vì vậy, một khi bị đau tai hãy bình tĩnh rà soát lại với câu hỏi mấu chốt giúp hướng tới chẩn đoán nguyên nhân gây đau tai bao gồm:
- Đau bắt đầu khi nào?
- Cơn đau kéo dài bao lâu (liên tục, một vài giờ, một vài giây...)?
- Từng cơn hay liên tục?
- Chính xác vị trí đau xung quanh (sau, trước, dưới) hay sâu trong tai?
- Có hay không các rối loạn nuốt?
- Có bệnh lý răng không?
Người bệnh cần được thăm khám vùng đầu cổ cẩn thận, bao gồm hốc mũi, khoang miệng, cột sống cổ và khớp thái dương hàm. Sờ bằng ngón tay vùng amiđan và đáy lưỡi nhằm phát hiện xem có nguyên nhân gây đau tai ẩn nấp trong khoang miệng và họng không.
Bác sĩ tai mũi họng có thể thực hiện nội soi ống mềm để thăm khám kỹ hơn vùng hốc mũi, vòm, khoang miệng, họng và thanh quản, những nơi không thể nhìn trực tiếp được. Cuối cùng, CT và MRI là các xét nghiệm hình ảnh học có thể được đề xuất.
Có nhiều nguyên nhân gây đau tai có thể do bệnh lý vùng đầu cổ, nên đến bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chuyên sâu về tai, tai thần kinh càng tốt, để được thăm khám nhằm phát hiện sớm những bệnh lý ẩn mà đôi khi chúng ta bỏ qua.
BS NGUYỄN QUẢNG ĐẠI (Bệnh viện FV)