'Đầu trộm, đuôi cướp': Từ trộm gà chuyển thành cướp giật gà

(PLO)- Trong khoa học pháp lý hình sự có câu “đầu trộm đuôi cướp”, ý chỉ trường hợp từ hành vi “trộm cắp tài sản” ban đầu nhưng liền sau đó hành vi lại chuyển hóa thành tội “cướp tài sản” hoặc “cướp giật tài sản”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, chiều 21-2, TAND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trần Đình Vũ (trú xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) bảy năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 2-11-2022, Vũ lẻn vào vườn nhà bà Khuy để bắt trộm gà. Khi đã thành công bắt được 2 con gà, Vũ bị bà Khuy phát hiện. Một tay bà Khuy đóng cổng, một tay bà giữ lại con gà trống. Vũ thả con gà mái xuống và giành lấy con gà trống. Vũ nắm lấy cổ tay trái bà Khuy giật mạnh làm bà ngã về phía sau rồi cướp được con gà trống.

Trần Đình Vũ tại tòa. Ảnh: ĐV

Trần Đình Vũ tại tòa. Ảnh: ĐV

Sau khi bản tin được đăng tải, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc vì sao bị cáo đi trộm gà nhưng lại bị phạt tù vì cướp giật tài sản?

Giải đáp vấn đề trên, ThS Nguyễn Thị Thuỳ Dung - giảng viên khoa Luật Hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: Muốn xác định tội phạm thì phải dựa trên hành vi khách quan của người phạm tội. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chuỗi các hành vi phạm tội, người phạm tội có các hành vi diễn ra sau gia tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội hơn so với các hành vi trước đó hoặc hành vi phạm tội ban đầu của họ. Nếu xác định tội danh dựa trên những hành vi ban đầu hoặc một hành vi nhất định sẽ khiến bỏ sót tội phạm và hình phạt không tương thích với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Trường hợp này gọi là “chuyển hóa tội danh”. Trong khoa học pháp lý hình sự có câu “đầu trộm đuôi cướp”, ý chỉ trường hợp từ tội “trộm cắp tài sản” chuyển thành tội “Cướp tài sản” hoặc “Cướp giật tài sản”.

Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19-4-1989 và Thông tư liên tịch số 02/2001/TLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về trường hợp hành hung để tẩu thoát khiến tội trộm cắp chuyển hóa thành tội cướp tài sản – là một trường hợp về vấn đề chuyển hóa tội danh. Do đó mặc dù không được quy định trong luật nhưng vấn đề này được hướng dẫn trong quá trình xét xử.

Dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 BLHS 2015 là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai và nhanh chóng.

Ở đây ta thấy, Vũ có sự chuyển hóa từ hành vi lén lút trộm hai con gà sang hành vi công khai chiếm đoạt một cách nhanh chóng bằng cách giật mạnh con gà từ tay bà Khuy và nhanh chóng tẩu thoát. Việc bà Khuy bị ngã thương tích 13% là hậu quả vô ý vì Vũ không dùng vũ lực đối với bà Khuy mà chỉ giật mạnh con gà, bà Khuy bị mất thăng bằng nên ngã là ngoài ý chí của Vũ. Đối với trường hợp này chỉ cần kết án kẻ phạm tội về một tội là cướp giật tài sản và coi việc chiếm đoạt (chưa thành hoặc đã thành) trước đó là tình tiết diễn biến của tội phạm.

Hành vi cướp giật tài sản có tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi trộm cắp tài sản, cộng với Vũ có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm (đã bị kết án và chưa được xóa án tích), và tình tiết định khung tăng nặng là gây thương tích cho bà Khuy 13%. Vũ bị kết án theo khoản 2 Điều 171 về tội cướp giật tài sản (khung hình phạt từ 3 đến 10 năm) với mức án 7 năm 6 tháng tù là đúng người đúng tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm