Đầu tư 140 làn thu phí không dừng trên 4 cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đưa đề xuất ba phương án đầu tư hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên bốn tuyến cao tốc do VEC quản lý là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban kế hoạch - kinh doanh thuộc VEC, tổng số làn thu phí của bốn tuyến cao tốc VEC đang quản lý, khai thác là 212 làn. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có 40 làn (15 làn ETC đã đưa vào vận hành từ ngày 10-6-2020); Nội Bài - Lào Cai có 81 làn (bao gồm tám làn nút giao Phố Lu, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 12-2021); Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 50 làn; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có 41 làn (trong đó tám làn ETC khai thác từ tháng 8-2017).

Theo VEC, qua thời gian theo dõi lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC trên các tuyến cao tốc VEC và năng lực thông qua của hệ thống ETC so với hệ thống thu phí hiện tại, dự kiến tổng số làn được phân kỳ đầu tư trên bốn tuyến cao tốc VEC đang khai thác là 140 làn.

Cụ thể: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ đầu tư 12 làn; Nội Bài - Lào Cai: 70 làn (có bốn làn ở nút giao Phố Lu); Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 36 làn; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: 22 làn. Trong quá trình khai thác, vận hành, tùy theo nhu cầu thực tế sẽ bổ sung các làn ETC (nếu cần thiết).

Trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VL

VEC cũng đưa ra ba phương án đầu tư hệ thống ETC. Phương án 1: Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giao cho VEC quản lý khai thác hệ thống Back-end và Front-end. Theo phương án này sẽ không làm ảnh hưởng đến phương án tài chính các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, giúp nâng cao năng lực tài chính cho VEC. Đây cũng là phương án tốt nhất cho doanh nghiệp tại thời điểm này. Tuy nhiên, phương án phụ thuộc vào cân đối nguồn vốn của các bộ, ngành và vướng mắc về Luật Đầu tư công về giao vốn và tài sản cho doanh nghiệp.

Phương án 2, sử dụng nguồn thu phí tại các dự án của VEC để đầu tư. Phương án này có ưu điểm là VEC chủ động xây dựng phương án và triển khai các thủ tục đầu tư, tự chủ về mặt quản lý thu phí và đảm bảo vận hành đồng bộ hệ thống ETC với hệ thống quản lý khai thác trên các tuyến đường cao tốc của VEC…

Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền không bảo đảm việc cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được phân bổ và rút ngắn các thủ tục triển khai lập phê duyệt dự án đầu tư hệ thống ETC thì phương án 2 là khả thi hơn.

Phương án 3, các nhà đầu tư đầu tư toàn bộ hệ thống ETC, VEC thuê lại sử dụng nguồn thu phí tại các dự án của VEC. Phương án này VEC sẽ sử dụng một phần chi phí vận hành khai thác hằng năm để chi trả cho phí dịch vụ thuê thiết bị ETC thay vì phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn ban đầu.

Ưu điểm của phương án này là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trình duyệt hồ sơ thiết kế, vay vốn đầu tư, giảm tối đa các chi phí ban đầu so với phương án đầu tư. Nhược điểm là thời gian hoàn vốn cụ thể vòng đời của các dự án công nghệ là 5-7 năm, trong khi dự án đường cao tốc thường trên 20 năm nên phương án tài chính của các nhà đầu tư không tương thích với phương án tài chính của các dự án đường cao tốc của VEC.

Trước ba phương án, lãnh đạo VEC đã chỉ đạo Ban kế hoạch - kinh doanh tiếp thu các ý kiến, bổ sung hoàn thiện báo cáo Bộ GTVT thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm