Từ Mỹ - nơi cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất nhưng ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty California Waste Solutions (CWS - một trong những công ty vận chuyển và xử lý rác hàng đầu tại Mỹ) và là CEO của Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) vẫn luôn đau đáu, trăn trở về những công việc với mong muốn sớm được thực hiện ở nơi “chôn nhau cắt rốn”.
CEO luôn đi tìm những dự án xanh và vì cộng đồng
Trao đổi về những dự định trong năm 2024, ánh mắt vị doanh nhân kiều bào như bừng sáng. Ông David Dương cười lớn: “Tôi có nhiều dự định lắm nhưng tựu trung đều hướng đến người yếu thế và kiến tạo môi trường xanh”.
Ông khoe tại Mỹ, ông đang sở hữu một sân golf rộng 175 ha. Hiện ông đang thương lượng mua thêm 670 ha nữa để mở rộng đầu tư, xây thêm 2.800 căn nhà. Những căn nhà này sẽ ưu tiên cho người Việt Nam đầu tư theo chương trình visa EB-5. Với mỗi suất đầu tư căn nhà 800.000 USD, sẽ có nhiều người Việt Nam muốn có thẻ xanh để trở thành thường trú nhân của Mỹ lựa chọn.
Cạnh đó, ông còn có một bến cảng, quy mô đang tiếp nhận khoảng 300 chiếc du thuyền. Tại đây, ngoài các dịch vụ đã có sẵn, ông dự định phát triển du lịch thông qua việc xây dựng thêm nhà cho thuê Airbnb, một loại dịch vụ lưu trú du lịch đang rất hot ở nhiều quốc gia; cho thuê du thuyền, câu cá giải trí... Dự kiến năm 2024, dự án sẽ được khởi công xây dựng.
Một dự án đặc biệt quan trọng khác ông David Dương chia sẻ là vừa hoàn thành nhà máy sản xuất nhà container với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 25 triệu USD, đặt tại Mexico. Sản phẩm căn hộ này sẽ được cung cấp cho các bang của Mỹ. Theo đó, mỗi container 40 feet được thiết kế như một căn hộ đầy đủ tiện nghi, có 1 hoặc 2 phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp với các trang thiết bị như máy lạnh, tủ lạnh, bếp điện, máy rửa chén hiện đại… Hiện tại, ông cho biết đã sản xuất 2 căn nhà mẫu và đang trưng bày tại TP Oakland, bang California.
Đây là mô hình nhà ở có thể giải quyết tình trạng người vô gia cư ở Mỹ, được đạị diện chính quyền các thành phố và Thống đốc bang California đánh giá cao. Ở Mỹ, một trong những vấn đề đang được ưu tiên giải quyết, đó là nhà ở cho người vô gia cư, nhất là cho phụ nữ và trẻ em.
Ông David Dương thông tin, từ cuối năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024, khoảng 3.000 nhà container được bán ra và riêng năm 2024 sẽ bán khoảng 5.000 căn, với giá 299.000 USD/căn (hơn 7 tỷ đồng). “Nhiều quan chức và chính trị gia khác ở các tiểu bang khác đã đến tham quan, tìm hiểu dự án nhà container. Nếu mọi chuyện khả quan, chúng tôi sẽ liên kết với DN Việt Nam để đặt hàng gia công nguyên vật liệu, thiết bị… để giảm giá nhà container rẻ hơn, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động”, ông David Dương chia sẻ về sự kỳ vọng mới.
Nói về công việc đầu tư tại Việt Nam, “vua rác” đang ấp ủ một kế hoạch đột phá. Đó là biến rác hữu cơ thành viên nén năng lượng, một dạng chất đốt thay thế than đá, cung cấp cho các nhà máy cần nhiên liệu đốt. Theo ông, dự án này dễ dàng thực hiện cho nhiều tỉnh/thành phố, có thể sản xuất từ 500-700 tấn viên chất đốt/ngày, vừa giúp bảo vệ môi trường và vừa hạn chế chôn lấp rác.
Theo ông David Dương, tại Mỹ, công nghệ này đã được sử dụng nhưng nguyên liệu là giấy vụn nén thành viên để thay thế củi. Trong khi đó, ông David Dương lại mong muốn dùng nguyên liệu từ rác. Ông chia sẻ thêm: công nghệ sẽ phải thay đổi vì rác hữu cơ của Việt Nam có độ ẩm rất cao. Đầu tiên, rác phải được ép hết nước, sau đó sấy khô rồi nén thành viên. Viên nén này cho năng lượng khi đốt cao và có thể đốt lâu dài. “Chúng tôi sẽ thử nghiệm tại Mỹ với rác thải hữu cơ là cây xanh. Khi đạt hiệu quả mới triển khai tại Việt Nam”, CEO David Dương nói. Dự kiến chi phí đầu tư cho dự án làm viên nén chất đốt khoảng 200-250 triệu USD.
Liên quan đến dự án đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, ông chủ VWS cho biết, đã chọn được công nghệ đốt rác phát điện của Nhật Bản và trình UBND TPHCM. Lý do chọn dự án công nghệ này vì phù hợp với đặc điểm chất thải sinh hoạt TP.HCM, chi phí đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD, hiệu suất phát điện cao... Hiện Công ty VWS đang chờ thành phố phản hồi.
“Với tư cách là nhà đầu tư, tôi luôn đặt cái tâm và uy tín lên hàng đầu. Do vậy, khi chọn ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam, tôi muốn chọn công nghệ phù hợp với chủng loại rác, phải đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe người dân… Đặc biệt hơn là đáp ứng được những yêu cầu của thành phố là đốt rác hoàn toàn”, ông David Dương nói. Ông cho biết them, công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến khoảng 3.000 tấn/ngày. Theo tiêu chuẩn quốc gia, rác sẽ được phân thành nhiều loại: tái chế, làm phân hữu cơ, phần còn lại mới đốt. Dù hiện nay công ty đang nhận gần 7.000 tấn rác/ngày nhưng sau khi lọc lựa, tái chế, làm phân bón…, phần còn lại để đốt chỉ còn khoảng 2.000-3.000 tấn.
David Dương - Người luôn tận dụng mọi cơ hội tốt nhất cho Việt Nam
Trong năm 2023 vừa qua, ông David Dương đã làm một việc chưa có tiền lệ. Đó là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt đưa đoàn chính trị gia, nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chuyến đi đã góp phần mở cánh cửa tương lai, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. “Tôi luôn tâm niệm rằng, mình là người con đất Việt. Do đó, tôi luôn tranh thủ từng cơ hội có thể để giới thiệu Việt Nam với giới chính trị gia, doanh nghiệp (DN) Mỹ… nhằm mang những điều tốt nhất về cho quê hương, đem công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, đem ngoại tệ về xây dựng đất nước”, ông David Dương chia sẻ với tấm lòng tràn ngập hạnh phúc.
Với tầm nhìn của một doanh nhân dạn dày kinh nghiệm, ông David Dương cho rằng, mặc dù năm 2023 nền kinh tế VN phải chịu những tác động bất lợi từ kinh tế, chính trị, chiến tranh… trên thế giới và những khó khăn lớn của một nền kinh tế mở trong nước vừa mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Thế nhưng, theo ADB dự báo vào tháng 9-2023 và cả năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8%, cao nhất khu vực Đông Nam Á (Philipines: 5,7%, Indonesia: 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%...), một tín hiệu lạc quan.
Cũng theo ông David Dương, ông đã có cuộc gặp đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 tại Mỹ vào tháng 11-2023. Tại đây, ông đã chia sẻ về những dự án tại Việt Nam cũng như mong muốn được tiếp tục mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong việc xử lý rác thải đồng thời kêu gọi các DN Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Nhìn lại năm 2023, “vua rác” David Dương tâm sự, hài lòng với những điều đã làm được. Đó là đóng góp hơn 300.000 USD cho công tác từ thiện tại Mỹ; thực hiện dự án nhà container cho người vô gia cư; đầu tư xe chở rác mới chạy bằng năng lượng sạch; xây thêm 2 nhà máy mới ở TP Oakland và TP San Jose để lọc lựa, tái chế giấy thành bột giấy, chai nhựa sẽ thành hạt nhựa… Đồng thời củng cố hồ sơ, dự án thay đổi công nghệ tại TP.HCM để tiến tới kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon…
Ông cho biết dự kiến sẽ về ăn Tết nguyên đán 2024 tại quê hương. Nhắc đến Tết, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu ông là cảnh sum họp gia đình, chúc thọ, lì xì mừng tuổi... Với vị tỷ phú này, Tết là những ngày thiêng liêng để trở về với gia đình.
Người mở đường cho chuyến thăm đặc biệt tại Việt Nam
Thị trưởng TP Oakland Sheng Thao đánh giá, Công ty CWS của ông David Dương là DN hàng đầu về vận chuyển và xử lý chất thải tại Califonia. CWS cũng là biểu tượng tại Califonia về việc người Mỹ gốc Việt quay trở lại quê hương để đầu tư, kinh doanh.
Tại Việt Nam, ông David Dương cũng đang cống hiến rất nhiều cho TP.HCM thông qua các hoạt động kinh doanh và đóng góp rất lớn cho cộng đồng. Không chỉ tạo giá trị tại Mỹ và Việt Nam, ông còn chia sẻ hàng triệu USD cho những hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực, giúp đỡ những người gốc Á phát triển và vươn lên ở khắp mọi nơi.