Sáng 23-2, trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức chuyên đề “Dạy học 4.0” với sự tham gia của toàn thể giáo viên trong trường. Báo cáo chuyên đề là ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường.
Thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên trường THPT Nguyễn Du phát biểu tại buổi chuyên đề. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Phát biểu tại chuyên đề, thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng của trường băn khoăn: “Mỗi ngày tôi đến trường, với những lượng kiến thức đó, tôi cứ dạy lặp đi lặp lại qua nhiều năm theo một cách quen thuộc. Tôi sợ rằng nếu tình hình này cứ tiếp tục, tôi sẽ cảm thấy chán cho công việc của mình”.
Đồng cảm với suy nghĩ của thầy Đăng, thầy Nguyễn Tường Thịnh bày tỏ: “Cách đây 10 năm, tôi cũng rơi vào trạng thái đó. Tôi thấy mình giống như một người thợ dạy. Cũng bài học đó, giáo án đó, tôi dạy hết năm này qua năm khác với nhiều thế hệ học trò nhưng tôi không có lấy một sự hào hứng, một động lực để phát triển”.
Thầy Nguyễn Tường Thịnh cho biết đã có thời gian thầy nghĩ mình là một thợ dạy. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Thế nhưng, vào một ngày tôi suy nghĩ và nhận thấy bản thân mình phải thay đổi. Nếu không tôi sẽ bị thụt lùi so với mọi người. Tôi nhận ra kiến thức mà tôi cung cấp cho học trò chỉ là một phần nhỏ. Điều quan trong, làm thế nào thông qua kiến thức đó, tôi giúp học trò tư duy và hình thành nên những kỹ năng cho các em. Từ đó, tôi nghĩ mình cần phải đi học thêm những khóa học để bổ sung cho nghề nghiệp. Tôi tham gia nhiều hơn những hoạt động bên ngoài để có cơ hội cọ xát với đồng nghiệp và trau dồi kiến thức cho mình, để có thể giải đáp những câu hỏi mà học trò thắc mắc. Khi tôi vẫn dạy học theo cách cũ thì sự lặp lại là điều đương nhiên. Nhưng khi tôi biết cách tổ chức hoạt động dạy học thì mỗi ngày, mỗi tiết dạy sẽ là một điều mới lạ”, thầy Thịnh nhấn mạnh.
Thầy Thịnh bổ sung thêm: “Để có thể tổ chức các hoạt động học, người giáo viên phải sáng tạo và không ngừng học hỏi. Việc tổ chức học sinh vào các hoạt động sẽ khiến học trò cảm thấy hứng thú với giờ học. Hơn nữa, khi tham gia, mỗi học trò sẽ bộc lộ những khả năng của mình. Có những khi tôi dạy, tôi thấy học trò không hề chú ý nhưng khi tổ chức các hoạt động nhóm thì chính em đó lại là người thủ lĩnh sáng tạo, biết phân chia nhiệm vụ cho các bạn và hoàn thành rất tốt bài tập được giao. Chính nhờ điều đó, tôi đã phát hiện ra năng khiếu cũng như sở trường của từng học sinh và phát huy được sự sáng tạo của mỗi em. Từ đó, mỗi giờ học trôi qua lại tràn đầy niềm hứng khởi từ thầy đến trò”.
Thầy Lâm Vũ Công Chính khẳng định: "Muốn dạy hay, tiết học thú vị, người thầy phải biết làm mới mình, không ngừng sáng tạo". Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bày tỏ quan điểm của mình, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên trong trường nhấn mạnh: “Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là kiến thức của ngày hôm qua. Mỗi ngày mỗi phút, thế giới có biết bao nhiêu sự thay đổi, vì thế để theo kịp với thời đại, để đáp ứng với lượng kiến thức mà học trò yêu cầu, bản thân mỗi giáo viên cần phải tự cập nhật thông tin qua mạng. Nhìn bề ngoài, nhiều người có thể nghĩ rằng nghề giáo rất khỏe, chỉ cần dựa vào giáo án là có thể dạy tốt. Thế nhưng, thực tế để một tiết học thăng hoa thì bản thân người thầy phải biết học hỏi và làm mới mình qua tiết dạy. Để tiết học trở nên thú vị, bản thân người thầy không chỉ truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải biết vận dụng vào thực tế của cuộc sống để học trò hiểu. Vì thế, người thầy muốn dạy hay, muốn không nhàm chán phải luôn đổi mới, luôn sáng tạo”.
Đánh giá lại vấn đề, ông Phú khẳng định: “Quan điểm thầy cô soạn giáo án có thể sử dụng 5 -10 năm là một quan điểm lạc hậu, không có tình thương với học trò. Kiến thức in trong sách giáo khoa chỉ là kiến thức nền. Vì thế, muốn dạy tốt, thầy cô phải biết cập nhật thêm thông tin từ cuộc sống, từ xã hội thông qua internet. Cái hay của người thầy là bắt kịp hơi thở của thời đại vào trong từng bài học, trong từng tiết dạy. Mỗi tiết dạy của người thây không thể giống nhau mà cần có sự thay đổi để phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng thời điểm.
"Trong thời đại công nghệ 4.0, để tồn tại, giáo viên cần có 4 yếu tố đạo đức, trí tuệ, công nghệ và đặc biệt là không ngừng sáng tạo. Làm người thầy không sáng tạo, bài học sẽ khô khan. Vì thế phải sáng tạo nhưng sự sáng tạo phải hợp lý, khoa học, logic. Sáng tạo ở đây thể hiện nội dung đó nhưng thày cô biết vận dụng thực tế vào bài học để tiết học trở nên thu hút với học sinh....”.