“Đào tạo thế nào sẽ cho ra con người thế đó”. Giảng viên này khẳng định như vậy. Dù các cán bộ, chiến sĩ công an đều được học hành trong trường lớp nhưng sở dĩ một số công an có thái độ ứng xử thiếu văn minh, lịch sự với dân là do họ được đào tạo không đến nơi đến chốn, bản thân lại thiếu tu dưỡng rèn luyện.
Giáo dục bất ổn
Nếu được giáo dục, giảng dạy đàng hoàng từ trên ghế nhà trường thì khi đi làm việc, thực thi nhiệm vụ, công chức nói chung (cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng) sẽ không bao giờ tự cho phép mình vô lễ, hoạnh họe, hạch sách người dân, nhất là đối với những người lớn tuổi hơn mình.
Ngành công an cũng đã quan tâm tổ chức thực hiện các cuộc vận động thực hiện nghiêm điều lệnh công an nhân dân (CAND), thực hiện văn hóa ứng xử với dân khi thi hành công vụ góp phần chấn chỉnh tác phong, nâng cao đạo đức của cán bộ, chiến sĩ công an.
Thế nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nếu lãnh đạo công an tăng cường kiểm tra, giám sát chính nội bộ mình để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ dưới quyền vi phạm thì có lẽ ngày nay không có nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế. Bởi đơn giản như việc chào người tham gia giao thông: Điều lệnh quy định CSGT phải chào dân trước khi kiểm tra giấy tờ nhưng hầu như chẳng có anh nào chịu thực hiện động tác này. Sao vậy? Nên nhớ trong một tập thể cơ quan, dù trong hay ngoài ngành công an, nếu một cá nhân có hành vi ứng xử sai trái với người dân khi thi hành công vụ nhưng lãnh đạo làm ngơ không kỷ luật thì chẳng mấy chốc căn bệnh vô văn hóa sẽ lây lan sang những cá nhân khác.
Theo điều lệnh, CSGT phải chào dân trước khi kiểm tra giấy tờ. Ảnh: HTD
Tự xóa nhòa hình ảnh mình!
Hiện tượng một số công an thiếu lễ phép với dân đang xảy ra ở khắp nơi chứ không riêng địa phương nào. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công an bị đánh, người dân không tôn trọng công an, bởi suy nghĩ: Công an không tôn trọng dân thì dân chẳng việc gì phải tôn trọng công an.
Cách nay 10 năm, người dân thường gọi công an bằng anh, bằng chú nhưng giờ nói tới công an, nhiều người dân buột miệng gọi "thằng này", "thằng kia"... nghe thật đau lòng. Cũng cách nay 10 năm, hầu như không xảy ra hiện tượng người dân chống đối lại công an khi đang thi hành nhiệm vụ nhưng vài năm gần đây dân sẵn sàng chống trả lại công an, thậm chí đâm chém, nổ súng vào công an. Rõ ràng đây là một hiện tượng xã hội rất đáng báo động bởi hình ảnh người CAND đã ít nhiều nhạt nhòa trong mắt của dân.
Nhiều lãnh đạo công an các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho rằng khi gặp phải những công an “bậy bạ”, người dân nên phản ánh ngay với họ để họ xử lý nghiêm. Nghe đơn giản nhưng thực tế chẳng mấy ai muốn (hoặc không dám) tố để còn được yên thân làm ăn. Chính mắc mứu này khiến nhiều CSGT càng trở nên lộng hành và người dân khi nghe nhắc đến họ thường có nhiều suy nghĩ không thiện cảm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Văn hóa ứng xử là nền tảng Ứng xử không lịch sự, nhã nhặn, thiếu văn hóa không chỉ có ở công an mà còn ở nhiều cơ quan khác. Có sự khác biệt rất rõ giữa ứng cử trong quân đội và trong lực lượng công an. Trong quân đội, sự tôn ti trật tự thể hiện rất rõ. Ví dụ, tiểu đội trưởng rất sợ trung đội trưởng và sự va chạm giữa quân đội với nhân dân trong đời sống thường nhật hầu như không có. Ngược lại, công an lại là lực lượng sống trong dân - CAND. Họ sống trong xã hội, kiểm soát con người cá nhân trong xã hội nên sự va chạm trực tiếp hơn. Có nhiều lý do dẫn đến quan hệ người dân và công an xấu đi. Thứ nhất, người dân ngày xưa tôn trọng cách mạng nên quý chính quyền, với họ công an là đại diện chính quyền nên họ tôn trọng. Thứ hai, người dân muốn được việc của mình nên có thái độ khúm núm trước công an. Thứ ba, lực lượng công an hiện là lực lượng đại diện cho nhà cầm quyền nhưng lại ít được đào tạo về văn hóa mà chỉ thiên về chuyên môn ở trình độ không cao. Thực tế, vi phạm luật đều có vô tình hoặc cố ý, nếu người công an đủ tỉnh táo để xử lý, phân tích rõ ràng với thái độ ôn tồn thì người dân sẽ chẳng bị áp lực. Chính văn hóa ứng xử thể hiện qua thái độ, lời nói… đúng mực của người công an sẽ làm giảm thiểu các căng thẳng, xung đột, đưa các quan hệ xã hội đi vào những trật tự vốn phải có của nó. QUỲNH TRANGghi |
HÙNG ANH ghi