Theo thống kê từ Bộ Y tế và tổ chức UNICEF, hằng năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó trên 3.500 em chết do đuối nước, chiếm tỉ lệ 50%.
Thực trạng trẻ thiệt mạng do đuối nước đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan đã có sự phối hợp để tổ chức chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học. Nhưng thực tế, việc này cũng chỉ có thể triển khai tại các TP lớn do có điều kiện là có sẵn hệ thống hồ bơi, còn các địa phương khác, vì thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên nên đề án đành nằm trên bàn giấy. Mặt khác, gia đình ở thôn quê ít quan tâm quản lý con cái, ít cảnh báo con những hồ sâu chết người, trong khi trẻ lại không hiểu rõ những biển cấm nguy hiểm.
Vì vậy, cha mẹ nên giám sát con trẻ chặt chẽ ngoài giờ học ở trường. Nên chủ động cảnh báo cho con biết về nạn đuối nước và dạy con không nên ra sông suối sâu. Cần nhớ là “khuyên” chứ không “cấm”, vì càng cấm thì trẻ càng cảm thấy mình bị quản thúc nên đôi khi sẽ làm điều ngược lại. Song song đó, nhà trường cần lồng ghép những câu chuyện đuối nước thực tế vào chương trình giảng dạy.
Một điều nữa mà cha mẹ và nhà trường cần lưu ý là tâm lý tự khẳng định mình ở các em trai mới lớn. Chỉ cần một lời khích bác là các em có thể nhảy xuống sông, dù không có kỹ năng bơi lội. Hãy chỉ cho trẻ hiểu việc khẳng định mình kiểu như thế là “những điều ngu ngốc”, không có gì đáng tự hào. Đuối nước có thể được giảm thiểu nếu địa phương, phụ huynh và nhà trường quan tâm đến các em, đặc biệt là vấn đề tâm lý.